Chiều 12/8, tại huyện Sông Mã, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp cùng Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với nội dung "Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP".
Tham dự Diễn đàn có đông đảo đoàn viên, thanh niên, hợp tác xã, các chủ thể OCOP là thanh niên tỉnh Sơn La và toàn quốc thông qua hệ thống livestream trên mạng xã hội.
Diễn đàn tập trung thảo luận 3 vấn đề chính, gồm: Khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP; Kinh tế số từ góc nhìn của thương mại điện tử; Quảng bá tài nguyên bản địa trên không gian số. Bên cạnh đó, các đoàn viên, thanh niên đã được các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ, giải đáp những thắc mắc trong quá trình ứng dụng chuyển đổi số vào quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Chia sẻ tại diễn đàn, lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cho biết, những năm qua, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đã đầu tư ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, lai tạo giống mới, cho năng suất, chất lượng sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 6.000 ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương. Số lượng các hợp tác xã nông nghiệp ngày càng tăng với 785 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Hiện có 12 doanh nghiệp, hợp tác xã khoa học và công nghệ, 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Toàn tỉnh có 110 sản phẩm OCOP, tiêu biểu như sản phẩm cà phê bột nguyên chất; trà vỏ cà phê; mận sấy.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân đánh giá, diễn đàn là cơ hội để đơn vị hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh thanh niên được tiếp cận, kết nối với các chuyên gia chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP; được chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong các hoạt động ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa để lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương lắng nghe, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, khát vọng vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, xây dựng quê hương, đất nước.
Theo Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phát triển thương mại điện tử trở thành một lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số thời đại công nghệ 4.0. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và internet, việc mua bán hàng hóa, dịch vụ trực tuyến đã trở nên phổ biến, thuận tiện. Đối với nông nghiệp, đây sẽ là một hướng đi phù hợp trong tương lai, giải quyết bài toán "được mùa mất giá", mang nông sản chất lượng đến gần với người tiêu dùng. Nhà nông có được sinh kế ổn định, đặc biệt là những địa phương vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận với thị trường rộng rãi.
Bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) trên các nền tảng số được dự báo sẽ bùng nổ thành ngành công nghiệp tỷ USD tại Việt Nam. Trung bình mỗi ngày, Việt Nam có khoảng 70.000 - 80.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Livestream có khả năng mang về hàng triệu lượt tương tác với tỉ lệ chốt đơn cao cho người bán hàng. Đối với sản phẩm nông nghiệp, gần đây đã có không ít doanh nghiệp, bán người hàng thực hiện livestream trên nền tảng số và thu về những kết quả tích cực. Thời gian qua, Trung ương Đoàn đã triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên. Qua đó, giới thiệu, bán hàng nông sản của các tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp với doanh thu hơn 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong phiên livestream "Chợ phiên OCOP - Sơn La - Về miền nông sản" kéo dài 4 tiếng diễn ra vào sáng 12/8 tại huyện Sông Mã đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, hơn 570.000 lượt vào xem. Trong đó, 5 tấn nhãn Sông Mã cùng 2.350 đơn hàng nông sản đã được bán, mang về gần 470 triệu đồng doanh thu.
Anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn cho biết, chuyển đổi số có tác động tích cực đến phát triển sản phẩm OCOP, tạo động lực cho các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng doanh thu và thu nhập. Từ đó tạo động lực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Trung ương Đoàn xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc hỗ trợ thanh niên nông thôn áp dụng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý. Trung ương Đoàn đã phối hợp với các bộ, ngành, các đơn vị liên quan đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên nông thôn, nông dân, xã hội về tầm quan trọng của chuyển đổi số, vai trò, các bước thực hiện chuyển đổi số cũng như ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thời gian tới, Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục đồng hành với các tỉnh, thành đoàn, đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn, hội thảo, tập huấn chuyên sâu hơn nữa về Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", trong đó có nội dung chuyển đổi số với mục tiêu thúc đẩy hoạt động sản xuất và thương mại sản phẩm OCOP hiệu quả, đặc biệt là tham gia thương mại điện tử, bán hàng online.
Hữu Quyết