Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc. Ảnh: Thanh Hà |
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các Ban, bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng ban hành các cơ chế, chính sách quan trọng về công tác dân tộc và văn hóa dân tộc...
Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc. Ảnh Thanh Hà |
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tuy đã có chuyển biến nhưng văn hóa truyền thống các dân tộc đang đứng trước nhiều thách thức. Văn hóa truyền thống một số dân tộc thiểu số có nguy cơ cao bị mai một, biến dạng; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Một số truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào chưa được gìn giữ, phát huy đúng mức, phát triển các giá trị mới còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều chính sách của Nhà nước thực hiện thông qua các đề án, dự án còn thiếu kinh phí để triển khai, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số rất khó thực hiện. Thực trạng trên đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa, có chính sách, biện pháp thiết thực, phù hợp để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, góp phần củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc …
Những tiết mục văn nghệ đặc sắc được tình diễn trong đêm khai mạc. Ảnh: Thanh Hà |
Ngay sau lễ khai mạc, các nghệ sỹ của 11 đơn vị nghệ thuật đã biểu diễn chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tên “Những bông hoa đất Việt”. Chương trình gồm 6 phần, được xây dựng theo thể liên hoàn, gồm nhiều hình thức ca, diễn xướng, múa, nhạc kết hợp nghệ thuật sắp đặt, sân khấu phức hợp. Thông qua đó, Ban Tổ chức giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với sự đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc.
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm naycó chủ đề "Giai điệu từ núi rừng" . Ảnh : Thanh Hà |
Phần 1 “Những bông hoa núi” giới thiệu văn hóa một số dân tộc tiêu biểu, đại diện cho cộng đồng các dân tộc miền núi phía Bắc như dân tộc Thái, Tày, Dao, Mông, Lô lô, Khơ mú...
Phần 3 “Tổ khúc giao mùa” khắc họa những loại hình sinh hoạt văn hóa mang tính chất tâm linh của khu vực miền Trung với những câu hò xứ Nghệ, hò khoan Lệ Thủy, nghệ thuật Cung đình Huế, hát bả trạo, bài chòi…
Tiếp đó, “Những cung bậc cao nguyên” trình diễn các lễ hội văn hóa có tính chất tâm linh như cầu mùa, cầu mưa, cúng Giàng... của đồng bào cao nguyên Nam Trung Bộ như Chăm, Kơ tu, Xê đăng, Mơ nông, Giai rai, Ê đê... Đặc biệt, trong những phần trình diễn này có sự xuất hiện của các loại nhạc cụ độc đáo do đồng bào sáng tạo từ tre, nứa, cùng với cồng, chiêng, đàn đá tạo nên bức tranh âm thanh đa sắc, hấp dẫn.
Phần 5 là “Những điệu hò trên sông”, giới thiệu các nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt, lao động của đồng bào đồng bằng Nam Bộ với những màn hát đối, âm nhạc tài tử...Kết thúc chương trình nghệ thuật “Những bông hoa đất Việt” là phần trình diễn tổng hợp văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, trong đó văn hóa mỗi dân tộc đều được tôn vinh và tỏa sáng.
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam diễn ra từ ngày 19-23/4 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Trong khuôn khổ Ngày hội còn diễn ra trưng bày, triển lãm và trình diễn các nhạc cụ được chế tác từ tre, nứa. Đồng bào các dân tộc sẽ tái hiện nhiều nghi lễ trong đời sống như: Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô (Hà Giang) - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; lễ bốc Mó của dân tộc Thổ (Nghệ An); thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co; chương trình âm nhạc dân tộc với các tiết mục hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc…Các hoạt động này góp phần tạo nên không gian văn hoá đa sắc màu, đầy sức sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại “ngôi nhà chung” - Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.