Tối 27/11, tại Quảng trường Hùng Vương (thành phố Bạc Liêu), UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 với chủ đề “Bạc Liêu kết nối tinh hoa di sản và khát vọng phát triển”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành dự buổi lễ.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, Bạc Liêu được biết đến là một trong những cái nôi của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - loại hình Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh, nơi ra đời bản Dạ cổ hoài lang của cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, bản nhạc lòng “bất hủ” đặt nền móng cho sự phát triển của loại hình âm nhạc “vọng cổ” và nghệ thuật sân khấu cải lương hiện nay.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu xác định 5 trụ cột để tập trung nguồn đầu tư phát triển gồm: Phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng tái tạo; phát triển du lịch; phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bạc Liêu đã dám nghĩ, dám làm, tận dụng tốt các tiềm năng và lợi thế, duy trì mức tăng trưởng khá so với bình quân chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nhiều năm liên tiếp tăng trưởng hai con số và nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực.
Tự hào về thành quả đạt được sau 25 năm xây dựng và phát triển nhưng tỉnh Bạc Liêu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh phải nỗ lực, cố gắng hơn rất nhiều lần để phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu của năm 2022 và cả giai đoạn 2021 -2025 với tinh thần lấy lại 2 năm đã chậm vì dịch bệnh.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bạc Liêu trước hết cần tiếp tục giữ gìn, phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đồng thời, nhanh chóng cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh Bạc Liêu cần khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài để tập trung vào 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội đã xác định, trong đó đặc biệt lưu ý các yếu tố phát triển bền vững trong tất cả các khâu, trong từng giai đoạn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh Bạc Liêu thúc đẩy các sáng kiến, chương trình, dự án liên kết vùng, trước hết là hợp tác với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long để cùng nhau mở cửa kinh tế, thực hiện các dự án đầu tư chung về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển kinh tế toàn vùng như: Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Rạch Giá - Hà Tiên - Bạc Liêu, đường bộ hành lang ven biển, đường Nam Sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp...
Cùng với phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tỉnh Bạc Liêu cần phải nhận thức sâu sắc hơn văn hóa là cội nguồn sức mạnh của dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; giữ gìn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là tạo động lực cho phát triển bền vững, là thể hiện chữ hiếu của với Tổ tiên, cũng là trách nhiệm với thế hệ mai sau và với cả văn minh thế giới.
Con người là mục tiêu, là động lực và nguồn lực cho phát triển. Vì thế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc nhở cần bằng các hành động cụ thể khơi dậy mạnh mẽ tình yêu quê hương, đất nước; cần đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và y tế, hoàn thiện mạng lưới an sinh và các chính sách bảo trợ xã hội; bảo vệ môi trường tự nhiên và kiến tạo môi trường sống an toàn; tràn ngập tình yêu thương và luôn vang tiếng đàn, tiếng hát vọng cổ, Đờn ca tài tử thấm đẫm tình người phương Nam.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng cho biết, Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 là một trong những hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Bạc Liêu (01/01/1997 - 01/01/2022). Ngày hội được tổ chức nhằm thể hiện sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, dân và quân tỉnh Bạc Liêu quyết tâm khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Thông qua các hoạt động của Ngày hội Văn hóa - Du lịch lần này, Bạc Liêu mong muốn giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, du lịch của mình đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tạo điều kiện cho việc hợp tác trong lĩnh vực văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, tăng cường kết nối tua, tuyến, thu hút du khách. Đây còn là cơ hội để tỉnh Bạc Liêu kết nối với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tổ chức ký kết, hợp tác xúc tiến đầu tư - thương mại, phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Điểm nổi bật của Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2022 là sự kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa với du lịch; trong đó, vừa tôn vinh giá trị bản Dạ cổ hoài lang do cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác cách đây hơn 100 năm, vừa bảo tồn và lan tỏa nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2022 có sự góp mặt của nhiều di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, di sản được UNESCO vinh danh như: Ca trù; Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ; Dân ca Quan họ; Hát Chèo; các loại hình nghệ thuật của đồng bào người Khmer, người Hoa... Tất cả sẽ hòa điệu cùng với Đờn ca tài tử Nam Bộ đồng biểu diễn, để Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2022 thực sự trở thành nơi hội tụ tinh hoa của các miền di sản đại diện các vùng, miền trên cả nước.
Ngày hội được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 27 - 29/11/2022 cùng một số nội dung diễn ra trước ngày khai mạc với 14 hoạt động đa dạng, phong phú, quy mô khá lớn, có sự góp mặt của hơn 500 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên của 25 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 với chủ đề “Bạc Liêu kết nối tinh hoa di sản và khát vọng phát triển” được truyền hình trực tiếp trên sóng của 27 Đài truyền hình Trung ương và địa phương của cả nước. Lễ khai mạc kết thúc bằng “bữa tiệc” pháo hoa tầm thấp mãn nhãn, làm rực rỡ bầu trời đêm thành phố Bạc Liêu trong tiếng xuýt xoa, trầm trồ, những tràng vỗ tay của người xem.
Chanh Đa - Tuấn Kiệt - Nhật Bình