Ngày 17/11, bên dòng Pô Cô (xã Ia O, huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai), Hội đua thuyền độc mộc tranh Cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng do Ủy ban nhân dân huyện Ia Grai đã chính thức khai hội, thu hút hàng ngàn du khách thập phương đến thưởng lãm.
So với những năm trước, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023 có nhiều thay đổi cả về quy mô tổ chức, cơ cấu giải thưởng. 39 đội tham gia đua thuyền, 13 đội tham gia thi cồng chiêng, 14 đội tham gia thi dân vũ, với gần 1.000 vận đồng viên, nghệ nhân tham gia đến từ 13 xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị và huyện Đức Cơ, huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum).
Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng được huyện biên giới Ia Grai tổ chức thường niên nhằm bảo tồn, phát huy truyền thống, nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân gắn với dòng Pô Cô huyền thoại. Đồng thời, đây là dịp ôn lại những truyền thống hào hùng của các dân tộc trên địa bàn huyện trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, qua đó thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với người dân địa phương gắn bó với dòng Pô Cô, thuyền độc mộc không chỉ là phương tiện đi lại và đánh bắt thủy sản trên sông. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những chiếc thuyền độc mộc của bà con dân làng đã trở thành phương tiện vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược và đưa hàng ngàn bộ đội qua sông đánh giặc, góp phần làm nên các chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Trong những chiến tích hào hùng đó phải kể đến công lao to lớn của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, mà Anh hùng A Sanh “Người lái đò trên sông Pô Cô” là tiêu biểu cho ý chí quật cường, anh dũng và tinh thần yêu nước của Nhân dân các dân tộc huyện nhà.
Các đội thi đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô, xã Ia O (Ia Grai, Gia Lai). Ảnh: Quang Thái – TTXVN
Ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ia Grai (tỉnh Gia Lai) chia sẻ: Việc lưu giữ Ngày hội là dịp để huyện Ia Grai quảng bá hình ảnh, giới thiệu đến du khách gần xa những nét văn hóa độc đáo, các điểm du lịch đẹp như: Làng chài, Thác mơ, Bến đò A.Sanh, Khu Di tích chiến thắng Chư Nghé, thác 3 tầng, thác 9 tầng, Rừng Lùn... Khi đến với những danh lam, thắng cảnh của huyện Ia Grai, du khách được trải nghiệm, khám phá nét đẹp thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ, không khí trong lành; được giao lưu, gặp gỡ với những con người thân thiện, mến khách, thưởng thức các món ẩm thực phong phú, sản vật đa dạng của địa phương. Đặc biệt, du khách sẽ được hòa mình cùng lễ hội hòa quyện với tiếng cồng, tiếng chiêng và điệu xoang quyến rũ. Đến với Ia Grai là đến với “Một miền biên giới bình yên, một miền biên giới làm say lòng người”.
Quang Thái