Khả năng ông Trump bỏ cuộc giữa chừng?

Khả năng ông Trump bỏ cuộc giữa chừng?

Tờ "New York Times" ngày 7/7 đã đưa ra dự đoán này dựa trên một tình tiết, đó là trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, khi được hỏi là ông sẽ nói gì khi trúng cử, thì ông Trump, thay vì nói rằng những người phản bác ông đã sai, rằng ông đã đánh bại bà Hillary Clinton và trở thành Tổng thống, ông đã nói: "Tôi sẽ cho bạn biết tôi cảm thấy như thế nào sau khi điều đó xảy ra".

Donald Trump gặp gỡ cử tri Cincinnati hôm 6/7. Ảnh: NYTIMES
Donald Trump gặp gỡ cử tri Cincinnati hôm 6/7. Ảnh: NYTIMES

Và vài phút sau đó ông rời văn phòng tại tòa tháp Trump Tower để đi vận động tranh cử ở bang New Hampshire. Tất nhiên, hoàn toàn có khả năng là ông Trump đang "bày chuyện" để được xuất hiện trên mặt báo nhiều hơn. Song không loại trừ khả năng ông Trump quan tâm tới việc giành được chức vụ tổng thống hơn là việc đảm đương chức vụ ấy. 

Vào thời gian đầu của chiến dịch tranh cử, các đối thủ của ông, các thành viên đảng Cộng hòa và nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về việc liệu ông có nghiêm túc trong chuyện tranh cử. Sở trường gây tranh cãi cũng như thiên hướng đưa ra những phát ngôn "gậy ông đập lưng ông" không đem lại được sự tin cậy trong một nền văn hóa chính trị coi trọng tính kỷ luật trong các thông điệp mà các ứng cử viên đưa ra.

Những hoài nghi này đã dịu bớt sau khi ông Trumps đánh bại các đối thủ đảng Cộng hòa và nắm chắc sự đề cử. Tuy nhiên, khi cuộc đua đã chuyển sang giai đoạn mới và đa số các cuộc khảo sát cho thấy ông Trump thua bà Clinton, những đồn đoán đã rộ lên thành những cuộc thảo luận chính trị ở Washington, New York và những nơi khác, xoay quanh chủ đề liệu ông Trump có tìm kiếm một chiến lược rút lui trước khi diễn ra bầu cử để tránh bị "bẽ mặt" hay không.

Ông Stuart Stevens, cố vấn cao cấp cho ông Mitt Romney hồi năm 2012 và là một trong số những người chỉ trích ông Trump nặng nề nhất, nói ông Trump là "một kẻ bịp bợm" và đang tìm kiếm một lối thoát chiến lược. Ông Steven cho rằng ông Trump không có chút kinh nghiệm quản lý nào và thậm chí còn không biết cách tiến hành một chiến dịch tranh cử. Ngay cả những người ủng hộ ông Trump cũng thừa nhận rằng chiến dịch của ông có vẻ giống như một chuyến du lịch tiêu khiển.

Một số người ủng hộ ông Trump đã bác bỏ thông tin rút lui này. Thomas Barrack Jr., nhà đầu tư tài chính và bất động sản là bạn thân của ông Trump, khẳng định: "Ông ta sẽ không rút lui". Ông này so sánh nỗ lực tranh cử của ông Trump với một công ty khởi nghiệp có tính đổi mới, ông nói: "Một khi đã dấn thân khởi nghiệp, không bao giờ có chuyện giữa chừng bỏ cuộc chơi".

Tuy nhiên, trong trường hợp của ông Trump, mọi việc không diễn ra đúng như quy luật. Mùa thu năm ngoái, trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình, ông Trump nói rằng nếu như thất bại trong vòng bầu cử sơ bộ, ông vẫn có thể ung dung quay lại công việc kinh doanh. Giữa tháng 6 mới đây, giữa lúc phải chịu tới tấp những thông tin tiêu cực, ông đã nói đùa trước đám đông rằng ông sẽ xem xét rời khỏi cuộc đua để lấy 5 tỷ USD.

Vậy nếu như thực sự là ông ta đã có một kế hoạch rút lui, thì điều gì sẽ xảy ra?

Alexander Keyssar, một sử gia trường Havard, cho biết với cuộc chạy đua đặc biệt của năm nay, đại diện các đảng - những người hình thành cử tri đoàn - có thể bất ngờ có quyền lực thực sự, chứ không phải đóng vai trò bù nhìn nữa. Nếu như ông Trump rút lui sau khi chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 8/11 song trước khi cử tri đoàn nhóm họp ở từng bang để bỏ lá phiếu của họ vào ngày 19/12, thì khi đó cử tri đoàn sẽ có cơ hội bầu chọn một ứng cử viên khác.

Hiện tại, những người ủng hộ ông Trump thanh minh rằng ông đã bắt đầu sử dụng các chiến thuật tranh cử truyền thống như mở chiến dịch gây quỹ, đưa ra ý tưởng, chính sách, và chuẩn bị kỹ càng các bài phát biểu. Ông Sean Spicer, người phát ngôn của Ủy ban Toàn quốc của đảng Cộng hòa, người đã đang cố hết sức để chiến dịch của ông Trump trở nên chuyên nghiệp hơn, khẳng định: "Những tin đồn ông Trump sẽ rút lui là ngu xuẩn. Ông ta tranh cử là để chiến thắng". 

Có thể bạn quan tâm