Tỉnh Tây Ninh hướng đến mục tiêu đạt và vượt kế hoạch 5,5 triệu lượt khách tham quan các khu, điểm du lịch trong năm 2024; phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Để đạt mục tiêu trên, Tây Ninh tận dụng có hiệu quả các thế mạnh về thiên nhiên, con người, di tích để khai thác du lịch, nhất là việc kết nối, phát triển các sản phẩm du lịch về nguồn.
* Tận dụng thế mạnh từ di tích, văn hóa
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, tỉnh hiện có 96 di tích đã được xếp hạng gồm: 1 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh được phân bố ở 9 huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, tỉnh có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. Đặc biệt, Tây Ninh đang tận dụng tốt các thế mạnh từ tự nhiên này để kết nối đồng bộ các điểm tham quan trọng điểm với hệ thống các di tích đặc trưng văn hóa, lịch sử.
Nhờ đó, 9 tháng năm 2024, các khu, điểm du lịch Tây Ninh đã thu hút gần 4,5 triệu lượt du khách (tăng 7,1% so với cùng kỳ, đạt 81,5% so với kế hoạch); tổng doanh thu du lịch đạt 2.384 tỷ đồng (tăng 41,7% so với cùng kỳ, đạt 103,7% so với kế hoạch).
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, ngay từ đầu năm 2024, ngành Du lịch tỉnh đã tạo ra thế “chạy đà” cho việc kết nối với các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh bằng việc tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch, ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024 – 2029 với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group). Đây được xem là cơ hội lớn để Tây Ninh và các địa phương trong vùng đẩy mạnh khai thác thế mạnh về các sản phẩm đặc thù, tiêu biểu; giúp các địa phương xây dựng, phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, đường sông, làng nghề truyền thống, vui chơi giải trí, văn hóa… đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách.
Song song đó, để tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, ngành Du lịch Tây Ninh cũng đẩy mạnh tổ chức đón các đoàn Famtrip đến khảo sát, kết nối du lịch tỉnh với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, hàng loạt các “địa chỉ đỏ” về nguồn dần được quảng bá rộng hơn đến nhiều đối tượng du khách như: Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh; chùa Linh Sơn Tiên Thạch Tự (chùa Bà) trên 300 năm tuổi ở núi Bà Đen; Di tích Chiến thắng Tua Hai; Di tích Tháp Chót Mạt, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam...
Theo bà Trần Thị Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, ngành Du lịch tỉnh tiếp tục giữ vững được chất lượng sản phẩm, dịch vụ, uy tín, gắn với quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Tây Ninh. Tỉnh đã xác định thêm nhiều mô hình mới như: hoạt động trải nghiệm hái rau rừng kèm với nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng; nghệ thuật chế biến món ăn chay; khám phá quy trình làm nhang truyền thống của nghề làm nhang Tây Ninh; trải nghiệm, tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa (đình, tháp cổ, nhà cổ). Cùng với đó, các mô hình trải nghiệm văn hóa người Khmer được tỉnh tập trung như: nghệ thuật múa trống Chhay dăm, trình diễn trang phục Khmer, xem tư liệu về đời sống, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán, nhạc ngũ âm, ẩm thực truyền thống của người Khmer… Trong năm 2024, Tây Ninh cũng xây dựng được 26 chương trình du lịch mới liên kết các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
* Tạo điểm nhấn riêng cho du lịch
Tây Ninh đang thực hiện các giải pháp nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, văn hóa, tạo điểm nhấn riêng cho tham quan du lịch về nguồn – “địa chỉ đỏ” cho hoạt động nghiên cứu, học tập về lịch sử dân tộc.
Trong đó, đầu tháng 10/2024, tỉnh đã bố trí nguồn vốn gần 66 tỉ đồng để thực hiện tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày 30/4/2025). Theo đó, Khu di tích lần đầu tiên được lắp đặt hệ thống trình chiếu 3D Mapping sinh động nhằm tái hiện giá trị lịch sử thay cho hệ thống trực quan hiện có.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam nằm ở phía Bắc tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam - Campuchia, địa phận thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, được xem là nơi “Thủ đô kháng chiến” của miền Nam. Khu di tích có tổng diện tích gần 1.400 ha, gồm ba phân khu: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đây là khu căn cứ địa điển hình, có giá trị rất lớn về mặt lịch sử, khoa học, văn hóa và quân sự; đã được Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 839/QĐ ngày 31/8/1990. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, tại Quyết định số 548/QĐ – TTg ngày 10/5/2012.
Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã trải qua hai đợt trùng tu tôn tạo để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử. Trung ương Cục miền Nam là cơ quan đầu não lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước, Rùm Đuôn là căn cứ sau cùng của Trung ương Cục miền Nam mà Ban lãnh đạo Trung ương Cục chọn làm nơi ở, làm việc cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh, tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát tuân thủ các quy định về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, đặc biệt bảo đảm tính nguyên trạng, giữ nguyên yếu tố gốc của di tích; hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của công trường thi công đến Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Tây Ninh chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4./975 - 30/4/2025)./.
Giang Phương