Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, việc kết hợp này không những tiết kiệm được thời gian, tiền bạc mà còn nâng cao hiệu quả quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột; nâng cao giá trị ngành cà phê đối với người sản xuất, kinh doanh cà phê của tỉnh Đắk Lắk cũng như trong cả nước. Qua đó, củng cố vị thế mặt hàng cà phê, khẳng định vị trí quan trọng của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới; đồng thời phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Ảnh minh họa- TTXVN |
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là cơ hội để tỉnh Đắk Lắk tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch… góp phần thúc đẩy dự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích, sản lượng cà phê lớn nhất cả nước với trên 200.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên, chiếm 40% sản lượng cà phê của cả nước. Cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu trên 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ngành cà phê và đặc biệt “Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể - cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.