Huyện vùng cao Trạm Tấu chuyển mình phát triển

Đồng bào Mông xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) phấn khởi nhận đất sau khi địa phương điều chỉnh, sắp xếp lại quỹ đất nông nghiệp. Ảnh: nhandan.com.vn
Đồng bào Mông xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) phấn khởi nhận đất sau khi địa phương điều chỉnh, sắp xếp lại quỹ đất nông nghiệp. Ảnh: nhandan.com.vn

Nói tới Trạm Tấu (Yên Bái) người ta nghĩ ngay đến huyện vùng núi 30A với những khó khăn chồng chất khó khăn. Để đi vào huyện duy nhất chỉ có con đường tỉnh lộ 174, vào mùa mưa lũ thường hay xảy ra sạt lở đất... nên tình trạng huyện bị cô lập với bên ngoài vẫn thường xảy ra.

Huyện vùng cao Trạm Tấu chuyển mình phát triển  ảnh 1Đồng bào Mông xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) phấn khởi nhận đất sau khi địa phương điều chỉnh, sắp xếp lại quỹ đất nông nghiệp. Ảnh: nhandan.com.vn

Toàn huyện có hơn 11 vạn dân nhưng hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có gần 80% là đồng bào H'Mông, sống rải rác trên các triền núi cao. Đời sống của đại bộ phận người dân còn nghèo, trình độ dân trí thấp. Đặc biệt, thời tiết lại rất khắc nghiệt, mùa đông lạnh giá, về mùa hè cung bậc khí hậu được chia thành bốn mùa: Sáng nắng ấm như mùa xuân nhưng đến trưa trời oi ả với gió khô nóng thổi về như thời tiết mùa hè, chiều về khí hậu lại mát mẻ như mùa thu, tối đến trời lại lạnh như mùa đông. Chính vì thế nên việc sản xuất nông nghiệp của người dân cũng gặp nhiều khó khăn.


Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Vũ Lê Chung Anh cho biết: Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, cuối tháng 9/2020, tỉnh Yên Bái đã khởi công hai tuyến đường nối Quốc lộ 32 với đường tỉnh lộ 174, tạo thành hai trục giao thông song song và tuyến nối thị trấn Trạm Tấu với huyện Bắc Yên (Sơn La), tổng mức đầu tư hai dự án hơn 698 tỷ đồng. Công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phá vỡ thế độc đạo của huyện Trạm Tấu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vùng phát triển kinh tế, xã hội… Hệ thống giao thông nông thôn từng bước được mở rộng, toàn huyện có 41 tuyến đường xã, liên xã với hơn 174 km, đường dân sinh hơn 600 km, đến nay kiên cố hóa được 220 km, vì vậy 100% xã đã có đường ô tô vào tận trung tâm; hầu hết các bản làng vùng cao đã có đường bê tông đủ để cho xe gắn máy đi lại dễ dàng. Các hạ tầng cơ sở khác như mạng lưới truyền tải điện, hệ thống viễn thông... đều được chú trọng đầu tư, từng bước đã thay đổi được diện mạo của huyện.

Trong phát triển nông nghiệp, Đảng bộ huyện Trạm Tấu đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, trọng tâm là chuyển đổi diện tích lúa nương, sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi; mở rộng diện tích trồng lúa từ một vụ lên 2 vụ; đưa các giống lúa, ngô có năng suất cao, chất lượng cao vào sản xuất, hình thành một số vùng sản xuất ngô, lúa hàng hóa. Các xã: Tà Xi Láng, Trạm Tấu, Xà Hồ, Pá Hu, Hát Lừu... đã đưa sản xuất nông nghiệp của huyện tăng mạnh trên cả 3 tiêu chí: diện tích, năng suất và sản lượng. Năm 2020, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt hơn 6.980 ha, tăng gần 70 ha so với năm trước... Đặc biệt, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhờ đó đến nay xã Hát Lừu đã trở thành xã đầu tiên của huyện Trạm Tấu trong số 62 huyện nghèo của cả nước cán đích nông thôn mới.

Nếu như trước kia nông dân người Thái ở xã Hát Lừu chủ yếu sản xuất lúa, ngô là chính, nay đã chuyển đổi lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng cây rau vụ đông, hay trước đây trồng ngô, lúa nương nay đã chuyển sang trồng khoai sọ theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Điển hình trong đó phải nói tới thôn Vũng Tàu, nơi này, cách đây bốn năm, trận lũ quét kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của gần 20 người, toàn bộ ruộng bị đất đá vùi lấp, cầu treo bị lũ cuốn trôi. Từ đống ngổn ngang đá sỏi hôm nào nay đã trở thành các ruộng rau xanh tốt đem lại thu nhập cho người dân cao hơn 3 - 4 lần so với trồng lúa.

Anh Lò Văn Ộng, dân tộc Thái, thôn Vũng Tàu phấn khởi cho biết: “Bản mình có 58 hộ chuyển đổi làm vụ ba nên đời sống, thu nhập khá hơn trước nhiều. Ðiển hình như các hộ: Hoàng Văn Khít, Hoàng Văn Phong, Hoàng Văn Inh… trước là hộ nghèo, nay chuyển đổi cây trồng đã thoát nghèo bền vững".

Cùng với phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được Đảng bộ huyện tập trung chú trọng. Theo đó, Trạm Tấu đã tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo định hướng của Trung ương, của Tỉnh ủy. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ được thực hiện dân chủ, khách quan, bài bản, tạo môi trường để cán bộ rèn luyện, thử thách, phát huy năng lực, trách nhiệm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hiện toàn huyện có 8 cán bộ có trình độ thạc sỹ, 742 cán bộ có trình độ đại học, tăng 340 người so với năm 2015; 47 cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị, tăng 16 người so với năm 2015. Huyện thực hiện luân chuyển, điều động, tăng cường 246 lượt cán bộ đi cơ sở và ngược lại...

Trong chuyến công tác vào mùa đông này, chúng tôi được ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện dẫn lên phía Công viên Đồi thông Eo Gió. Tại đây chúng tôi được đã được chứng kiến cảnh những dãy núi cao đang trắng xóa băng tuyết phủ đúng vào dịp rét đậm. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thành Hưng chia sẻ: Mấy năm nay tốc độ du lịch Trạm Tấu tăng trưởng nhanh, vì vậy huyện đã đầu tư xây dựng Công viên Đồi thông Eo Gió với diện tích hơn 2 ha, trên tổng diện tích vài chục ha đồi thông cổ thụ này. Ở giữa trung tâm là khuôn viên với sân khấu ngoài trời, còn tỏa theo các triền đồi là những con đường bê tông nhỏ chạy vòng quanh. Công viên có khu văn hóa ẩm thực, có không gian để du khách trải nghiệm thiên nhiên, vào mùa hè nóng bức, mọi người có thể tận hưởng khí hậu mát lành chẳng khác nào đang được sống giữa Đà Lạt của núi rừng Tây Bắc. Đi qua vài trăm mét là cả đồi pơ mu đã trồng từ 20 - 30 năm trước. Những cây pơ mu quý hiểm tưởng chừng đã tuyệt chủng nay được hồi sinh. Phía dưới rừng pơ mu là công trình thủy điện Trạm Tấu công suất 30 MW…

Khó khăn là thế nhưng giờ đây Trạm Tấu đã và đang chuyển mình. Các điểm du lịch ngày một thu hút du khách nhiều hơn như Khu Du lịch suối khoáng nóng Trạm Tấu, du lịch khám phá đỉnh núi Tà Chì Nhù với độ cao 2.979 mét so với mực nước biển hay hàng loạt các điểm tắm nước nóng do người dân đầu tư xây dựng... Nay có thêm công viên Đồi thông Eo Gió sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách đến với huyện ngày một nhiều hơn...

Rồi đây khi nói đến Trạm Tấu, người ta không chỉ nghĩ tới huyện nghèo khó khăn chồng chất khó khăn, mà mọi người đều mong muốn đến Trạm Tấu để khám phá vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng hùng vĩ cùng với bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào người H'Mông, người Thái nơi này.

Đức Tưởng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm