Huyện Sơn Dương - Nơi ghi dấu sâu đậm hình ảnh Bác Hồ

Lán Nà Nưa – nơi ở và làm việc của Lãnh tụ Hồ Chí Minh từ cuối tháng 5 đến 22/8/1954. Ảnh: Vũ Quang – TTXVN
Lán Nà Nưa – nơi ở và làm việc của Lãnh tụ Hồ Chí Minh từ cuối tháng 5 đến 22/8/1954. Ảnh: Vũ Quang – TTXVN

Huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang - cội nguồn cách mạng, nơi ghi dấu sâu đậm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Những năm qua, phát huy truyền thống cách mạng, ghi nhớ lời dạy của Bác, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Sơn Dương luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên.

Huyện Sơn Dương - Nơi ghi dấu sâu đậm hình ảnh Bác Hồ ảnh 1Đình Tân Trào. Ảnh: Vũ Quang – TTXVN

Nơi ghi dấu sâu đậm hình ảnh Bác Hồ

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang cho biết: Ngày 4/5/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc hành trình từ Pác Bó (Cao Bằng) về xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ngày 21/5/1945, Bác Hồ về đến Tân Trào. Tại đây, đầu tháng 6/1945, Người đã chỉ đạo thành lập Khu Giải phóng (khu căn cứ địa cách mạng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Hà Giang). Tân Trào được quyết định làm Thủ đô Khu giải phóng.

Tại Tân Trào, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước: Từ ngày 13-15/8/1945, Bác Hồ chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Từ ngày 16-17/8/1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam họp tại đình Tân Trào, đã thảo luận nhất trí thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh và cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định trở lại Việt Bắc. Tuyên Quang một lần nữa được chọn làm trung tâm của căn cứ địa Việt Bắc, là nơi ở, làm việc của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, các bộ, ngành, cơ quan trung ương.

Huyện Sơn Dương - Nơi ghi dấu sâu đậm hình ảnh Bác Hồ ảnh 2Lán Nà Nưa – nơi ở và làm việc của Lãnh tụ Hồ Chí Minh từ cuối tháng 5 đến 22/8/1954. Ảnh: Vũ Quang – TTXVN

Ngày 2/4/1947, Người về đến Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Đây là nơi ở, làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người trở lại Việt Bắc để lãnh đạo kháng chiến.

Trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc tại Tuyên Quang với thời gian gần 6 năm. Trong đó, tại Sơn Dương có rất nhiều địa điểm là nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc. Trong thời gian này, Bác Hồ đã cùng Trung ương Đảng tổ chức thành công nhiều đại hội, hội nghị, phiên họp quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận... quyết định những quyết sách lớn để đưa kháng chiến thắng lợi.

Chị Nguyễn Thị Đào, thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào, chia sẻ: Những ngày Bác Hồ sống và làm việc tại Tân Trào tôi chưa ra đời. Sau này tôi được nghe ông bà và bố mẹ kể lại rằng, trong thời gian Bác Hồ ở Tân Trào, mặc dù công việc vô cùng bận rộn nhưng Người vẫn dành thời gian thăm hỏi, động viên, nói chuyện với nhân dân địa phương. Bác luôn động viên người dân phải chăm chỉ tăng gia sản xuất, cố gắng học tập để có thể tham gia vào công tác đoàn thể, tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc... Ghi nhớ những lời dạy của Bác, người dân luôn cố gắng học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè - cây trồng chủ lực của địa phương, từ đó phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương.

Huyện Sơn Dương - Nơi ghi dấu sâu đậm hình ảnh Bác Hồ ảnh 3Làng Văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Ảnh: Vũ Quang – TTXVN

Phát triển toàn diện các lĩnh vực

Bí thư Huyện ủy Sơn Dương Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết: Những năm qua, phát huy truyền thống quê hương cách mạng và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Huyện ủy đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sơn Dương lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020 -2025 đã đề ra.

Huyện đẩy mạnh việc thực hiện các khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm, đó là cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư; huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và các khu cụm công nghiệp; xây dựng thị trấn Sơn Dương đạt đô thị loại IV, xây dựng xã Sơn Nam đạt đô thị loại V trước năm 2025. Sơn Dương khai thác tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện; phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện tích cực phát triển văn hóa - xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học công nghệ gắn với giảm nghèo và an sinh xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, kiềm chế gia tăng tội phạm, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Huyện Sơn Dương tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Nhờ đó, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự đồng thuận của nhân dân, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện Sơn Dương được duy trì và thực hiện hiệu quả. Các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt và vượt kế hoạch như: Tổng sản lượng lương thực đạt trên 88.930 tấn (103% kế hoạch); giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 6.680 tỷ đồng (100% kế hoạch); giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 2.445 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho trên 4.800 lao động; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 giảm còn 4,61%; thu nhập bình quân đầu người đạt 43,5 triệu đồng/người/năm.

Đến nay, huyện Sơn Dương đã có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện lên 35,5%. Đời sống nhân dân trên địa bàn huyện ổn định và từng bước được nâng lên…

Huyện Sơn Dương - Nơi ghi dấu sâu đậm hình ảnh Bác Hồ ảnh 4Hàng cây cổ thụ thị trấn Sơn Dương (huyện Sơn Dương). Ảnh: Vũ Quang – TTXVN

Bí thư Huyện ủy Sơn Dương nhấn mạnh: Thời gian tới, Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sơn Dương lần thứ XXI; thực hiện hiệu quả phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 gắn với duy trì, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn sức khỏe nhân dân”. Huyện Sơn Dương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh.

Cùng với đó, huyện tiếp tục quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương, của cơ quan, đơn vị, tạo sự chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới…

Huyện Sơn Dương phấn đấu, hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 46,8 triệu đồng/người/năm; có thêm 02 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xây dựng 6 cầu trên đường giao thông nông thôn, bê tông hóa 51 km đường giao thông nông thôn.

Vũ Quang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm