Huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi có bề dày lịch sử, cách mạng và văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Hre. 50 năm sau ngày giải phóng (30/10/1972 - 30/10/2022), vùng căn cứ địa cách mạng năm xưa nay đã khoác lên mình những gam màu tươi sáng, trên nền tảng kinh tế ổn định, phát triển bền vững.
Huyện Ba Tơ cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 60 km về phía Tây Nam. Địa phương được biết đến là nơi khai sinh ra Đội Du kích Ba Tơ anh hùng, tiền thân của Lực lượng Vũ trang Liên khu 5. Huyện có khoảng 85% dân số là người dân tộc H’rê, còn lại là dân tộc Kinh và các dân tộc khác. Là một trong những huyện nghèo của cả nước, Ba Tơ tập trung thực hiện các chương trình 30a, 135, 167… nhờ đó đã có những bước phát triển và từng bước đổi thay, khởi sắc.
Những ngày đầu sau giải phóng, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Ba Tơ gặp vô vàn khó khăn. Xác định phải dựa vào nông - lâm nghiệp để phát triển, Đảng bộ huyện tập trung lãnh, chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp; khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống người dân. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, địa phương vừa tổ chức sắp xếp người dân đến làm kinh tế mới định canh, định cư, vừa chỉ đạo bắt tay vào sản xuất.
Ông Lữ Đình Tích, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ cho biết, huyện đã thực hiện nhiều biện pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông -lâm nghiệp, trong đó phong trào trồng rừng nguyên liệu thu hút nhiều nông dân hăng hái tham gia. Hàng ngàn hộ nông dân đã vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương.
Phấn đấu trở thành một “điểm nhấn” của hành lang kinh tế phía Tây tỉnh Quảng Ngãi, huyện miền núi Ba Tơ hôm nay đang nỗ lực vượt khó, vươn mình mạnh mẽ trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống không ngừng được đầu tư, xây dựng. Hệ thống giao thông được mở rộng, thông suốt. 20/20 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, có đường ô tô đến trung tâm; 90% đường thôn được bê tông, cứng hóa...
Theo ông Tích, để mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, một trong những điều kiện cần là hạ tầng giao thông phải đảm bảo. Cùng với nguồn vốn “cứng” dành cho hạ tầng giao thông, những năm qua huyện đã kết hợp, lồng ghép rất nhiều nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo để đầu tư cơ sở hạ tầng.
Ba Tơ hôm nay đang đổi thay từng ngày. Tổng giá trị sản xuất toàn huyện tính đến cuối tháng 9/2022 đạt hơn 956 tỷ đồng. Bình quân thu nhập đầu người/năm năm 2021 đạt khoảng 38 triệu đồng. An sinh xã hội được đảm bảo. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng cao. Toàn huyện có 14/49 trường học đạt chuẩn quốc gia. 100% xã, thị trấn có trạm y tế, 100% trạm y tế có biên chế bác sĩ. Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4-6%. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Những di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn được gìn giữ và trân trọng …
Chị Phạm Thị Minh Chiến, Bí thư Huyện Đoàn chia sẻ, tuổi trẻ Ba Tơ hôm nay nguyện phát huy truyền thống cách mạng mà ông cha đã tạo dựng; tiếp tục triển khai phong trào xung kích tình nguyện, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc và phong trào đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp. Từ đó, phát huy tinh thần xây dựng Đảng, chính quyền và phấn đấu cùng nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đã đề ra.
Nhìn lại chặng đường dài đã qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ba Tơ có quyền tự hào vì đã đi đúng hướng. Đó là kết quả của tinh thần đoàn kết xuyên suốt, Đảng bộ đồng lòng vì nhân dân; nhân dân cùng với Đảng bộ và chính quyền nỗ lực xây dựng cuộc sống ngày càng tươi đẹp và phát triển. Từ đó, tiếp tục có thêm động lực, niềm tin để chèo lái con thuyền đoàn kết tiến về phía trước vì cuộc sống ấm no của nhân dân, vì hòa bình của một vùng quê anh hùng.
Nói về hướng phát triển, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phạm Xuân Vinh cho hay, là huyện miền núi chủ yếu dựa vào thế mạnh nông - lâm nghiệp, chặng đường phía trước để Ba Tơ bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống quê hương cách mạng, nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7% - 8%/năm; cơ cấu kinh tế nông - lâm - thủy sản đạt từ 52% - 53%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng đạt 32% - 33%; thương mại dịch vụ đạt 16% - 17%. Huyện xây dựng các khu dân cư, phát triển đô thị, phấn đấu xây dựng thị trấn Ba Tơ đạt tiêu chí của đô thị loại IV, đô thị mới Ba Vì đạt một số tiêu chí đô thị loại V…
Trên hành trình vươn lên dẫn đầu các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân huyện Ba Tơ luôn kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, ý chí quyết chiến quyết thắng của Khởi nghĩa Ba Tơ, của Đội du kích Ba Tơ. Những thành tựu hôm nay càng thể hiện rõ tấm lòng sắt son, thủy chung đối với Đảng, với cách mạng trên vùng đất anh hùng.
Đinh Hương