Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: Dương Giang - TTXVN |
Theo Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2019, ngân sách trung ương bố trí trên 10.400 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vốn đối ứng địa phương tại 40/63 tỉnh là 2.177 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân sách trung ương tiếp tục bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như: y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất... Trong năm qua, hơn 1,9 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo việc làm cho gần 267.000 lao động, trong đó gần 7.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng hơn 1,2 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn... Đến cuối năm 2019, tỷ lệ nghèo cả nước bình quân giảm còn dưới 4% (giảm khoảng 1,3% so với cuối năm 2018). Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2018. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chỉ rõ, điểm nhấn trong năm 2019 là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đạt và vượt các chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Đáng chú ý, nhiều hộ nghèo đã chủ động xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, không ỷ lại chính sách, tự vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn cao tại vùng dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tình trạng tái nghèo còn diễn ra nhiều nhất là khi có thiên tai, bão lũ. Một số địa phương có tình hình kinh tế khá nhưng tỷ lệ tái nghèo cao do tình trạng tách hộ… Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong năm 2020, cần tổng kết việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại 3 khu vực: Bắc, Trung, Nam sau đó tiến hành tổng kết trên toàn quốc. Theo đó, cần tổng kết toàn diện các mục tiêu, đồng thời có thể triển khai chương trình mới ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn. Bộ trưởng cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 sẽ có tiêu chí mới, toàn diện và sâu sắc hơn, đồng thời gắn với tính bền vững không chỉ về thu nhập, trong đó, có nội dung mới về xây dựng nhà ở cho người nghèo, đặc biệt là ở khu vực miền núi. Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến nhận định cần tiếp tục thực hiện Chương trình giảm nghèo trong gian đoạn 2021 - 2025 nhưng đổi mới phương pháp tiếp cận, cách thức hỗ trợ, tiêu chí đánh giá… nhằm kết nối tất cả các chương trình, tổ chức, cá nhân để tạo nguồn lực tổng hợp để hỗ trợ người nghèo về sinh kế, xóa nhà dột nát, cải thiện điều kiện sống của người nghèo. Một số ý kiến đề nghị ưu tiên đầu tư cho các địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"; tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người nghèo, hộ nghèo là người có công với cách mạng, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc miền núi; rà soát, đánh giá hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, có sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư… Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong năm 2020 là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng thu nhập của hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần).
Phan Phương