Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Tân Phong Phú (huyện Hòa Bình). Nguồn ảnh: website Đảng Cộng Sản |
Đến xã Lại Sơn trong những ngày này, đi trên con đường vòng quanh đảo được trải bê tông, nhìn ngắm bãi biển đẹp ôm sát dọc sườn núi, cảm giác được hòa mình nhiều hơn với thiên nhiên. Ông Trần Văn Đoàn, Bí thư Đảng ủy xã Lại Sơn cho biết, hiện nay 95% đường trên đảo được trải bằng bê tông, giúp cho người dân và khách du lịch đến đảo đi lại dễ dàng cả hai mùa mưa, nắng. Đó cũng là điều kiện tốt để Lại Sơn phát huy thế mạnh về du lịch, khai thác những cảnh thiên nhiên đẹp còn khá hoang sơ.
Theo ông Trần Văn Đoàn, xã đảo này cũng đã có quy hoạch phát triển du lịch theo dạng hoang dã. Nhưng hiện nay còn nhiều người chưa biết đến vì chưa được đầu tư nhiều. Vì vậy, xã vận động người dân phát triển được loại hình du lịch phù hợp với điều kiện tự nhiên như câu cá, tắm biển, thăm hang động… Bên cạnh đó, kêu gọi các nhà đầu tư đến đảo để đầu tư phát triển du lịch.
Bên cạnh phát triển du lịch biển, đảo, những năm qua Lại Sơn đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả. Trong đó phải kể đến mô hình nuôi tập trung cá bống mú lồng bè ven bờ và đánh bắt thủy sản. Hiện toàn xã có hơn 30 bè và hơn 100 lồng nuôi cá; trên 500 phương tiện đánh bắt thủy sản, tổng công suất trên 30.000 CV. Hàng năm, sản lượng khai thác thủy sản trên 20.000 tấn các loại. Đặc biệt, kinh tế biển phát triển góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, với thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/người/năm, đã góp phần cho xã đảo này giảm hộ nghèo hiện nay xuống còn dưới 1%.
Ông Trần Văn Chua, ngụ ấp Bãi Bấc cho biết, nếu so với những năm trước thì đời sống của bà con trên đảo đã có sự thay đổi vượt bậc. Do trước đây điều kiện đi lại giữa đảo với đất liền khó khăn, nên việc trao đổi hàng hóa cũng không được thuận lợi. Nguồn lợi thủy sản làm ra luôn bị thương lái ép giá. Giờ được sự quan tâm của Nhà nước về đóng mới tàu, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà máy nước, đầu tư xây dựng bến cặp tàu, tàu cao tốc ra đảo. Nhất là chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch đã tăng thêm những chuyến tàu ra đảo đã làm cho xã ngày càng gần hơn với đất liền.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet |
Ông Trần Văn Đoàn, cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả khá tốt, nhưng do điều kiện của xã đảo hiện vẫn còn khăn, nhất là cơ sở vật chất, nên việc kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản với các loại hình kinh tế khác chưa cao. Chính vì vậy, để khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển, tới đây xã Lại Sơn tập trung vào những vấn đề trọng tâm. Đó là đánh bắt và mô hình nuôi trồng thủy sản, dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, do hiện nay nguồn lợi thủy sản gần bờ ngày càng cạn kiệt, bên cạnh đó, các nguồn vốn hỗ cho ngư dân vùng biển đảo để phát triển kinh tế không đủ đáp ứng nhu cầu nên đã làm giảm tốc độ phát triển. Vì vậy, sắp tới các cấp, ngành và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cần có cơ chế dành riêng cho huyện Kiên Hải nói chung, xã Lại Sơn nói riêng để đẩy nhanh hơn tiến trình phát triển kinh tế biển.
Tăng cường các giải pháp phát triển kinh tế biển, xã Lại Sơn đang đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, mở thêm các hoạt động vui chơi giải trí làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân trên đảo và cho du khách có dịp đến tham quan. Hy vọng trong tương lai không xa, xã Lại Sơn sẽ trở thành một trong những địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển.
Đường giao thông ở các xã đảo của huyện Kiên Hải (Kiên Giang) đã được bê tông hóa. Ảnh: TTXVN |