Một buổi giao dịch giải ngân vốn vay ưu đãi của NHCSXH tại điểm giao dịch phường Hà Tu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Theo đó, kể từ ngày 1/3/2019, các chương trình tín dụng bao gồm: Chương trình cho vay hộ cận nghèo; chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016, được Thủ tướng Chính phủ quy định mức cho vay tối đa không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ được nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/ hộ vay không phải bảo đảm tiền vay. Đối với thời hạn cho vay, Ngân hàng Chính sách Xã hội nâng thời hạn cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ nghèo lên 120 tháng; chương trình cho vay hộ cận nghèo có thời hạn cho vay thực hiện như cho vay hộ nghèo cũng được nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng. Mức cho vay và thời hạn cho vay cụ thể đối với từng hộ vay được căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, vốn tự có, khả năng trả nợ của hộ vay và nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Trường hợp hộ vay thuộc đối tượng của các chương trình tín dụng nêu trên đang sử dụng vốn vay có hiệu quả, thực hiện trả lãi đúng kỳ hạn theo thỏa thuận, nếu có nhu cầu vay thêm vốn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh có khả thi thì có thể vay bổ sung nhưng mức dư nợ không vượt quá 100 triệu đồng/hộ. Việc nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Ngân hàng Chính sách Xã hội nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân tại mọi vùng miền trong toàn quốc là một trong những giải pháp để cùng với các loại hình tổ chức tín dụng khác của ngành ngân hàng góp phần đẩy lùi tín dụng phi chính thức.
Đỗ Huyền