Đây là chủ đề chính được bàn luận tại hội thảo "Phát triển du lịch làng nghề tỉnh Hưng Yên 2017", diễn ra ngày 15/9 tại thành phố Hưng Yên. Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội làng nghề Việt nam, Hiệp hội lữ hành Việt Nam và các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.
Toàn cảnh hội thảo phát triển du lịch làng nghề. Ảnh: Đinh Tuấn – TTXVN |
Tiềm năng Phố Hiến
Hơn 20 ý kiến tham luận tại hội thảo của các nhà khoa học, chuyên gia về du lịch, làng nghề đã tập trung thảo luận 3 vấn đề chính gồm: phân tích dự báo tiềm năng du lịch làng nghề tại Hưng Yên và những khó khăn thách thức để khai thác du lịch làng nghề hiệu quả. Chia sẻ kinh nghiệm khai thác tuyến du lịch và công tác quảng bá du lịch làng nghề của thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đề xuất các chương trình, chính sách phối hợp giữa các ngành, địa phương để phát triển du lịch.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, nằm ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội và Trung tâm vùng trọng điểm kinh tế đồng bằng Bắc Bộ, Hưng Yên là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch làng nghề, với nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc gắn với nền văn hóa lâu đời của quê hương Phố Hiến tiểu Tràng An xưa. Điển hình như: làng nghề chế biến long nhãn Phương Chiểu, chạm bạc Huệ Lai, đúc đồng Lộng Thượng, đan đó Thủ Sỹ, gốm sứ Xuân Quan... Các làng nghề này không những lưu giữ những giá trị văn hóa mà còn góp phần quan trọng đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Theo ông Trần Đăng Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và du lịch Hưng Yên, toàn tỉnh hiện có 49 làng nghề, trong đó 36 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, doanh thu các làng nghề đến nay đạt 6.700 tỷ đồng; trong đó các nhóm ngành nghề đang có xu hướng phát triển mạnh là thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, gốm sứ, mây tre đan, chế biến nông sản thực phẩm. Nổi bật trong đó có 8 làng nghề truyền thống đã tạo được thương hiệu trên thị trường trong nước và xuất khẩu như: làng nghề tương Bần, đúc đồng Lộng Thượng, hương Cao Thôn, rượu Trương Xá... và đã tổ chức các tour du lịch qua các làng nghề này gồm: Hà Nội - làng cổ Đại Đồng; Hà Nội - Phố Hiến Tiểu Tràng An.
Đoàn khảo sát tham quan làng nghề đan đó xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN |
"Mỗi làng một sản phẩm" để hấp dẫn du khách
Tuy nhiên, du lịch làng nghề Hưng Yên còn nhiều hạn chế. Ông Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hưng Yên cho biết, do chưa có kinh nghiệm về quản lý và khai thác nên hiệu quả và sức hút của các làng nghề trên địa bàn chưa hấp dẫn. Số lượng khách đến tham quan ít, thời gian lưu lại không lâu. Toàn tỉnh mới chỉ có làng nghề hương Cao Thôn đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch để giới thiệu tiểm năng sản phẩm làng nghề. Phần nhiều người dân các làng nghề chưa biết làm du lịch. Vì vậy Hưng Yên cần có quy hoạch và chiến lược lâu dài để phát triển lĩnh vực này.
Về định hướng cơ bản cho phát triển du lịch làng nghề, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho rằng, hoạt động du lịch làng nghề ở Hưng Yên còn manh mún, tự phát chưa xứng tầm với tiềm năng vốn có. Để du lịch làng nghề khởi sắc, Hưng Yên cần quy hoạch lại các làng nghề hiện có thành điểm tham quan du lịch, nâng cấp hạ tầng theo phương châm xã hội hóa, tổ chức các lớp tập huấn giúp cộng đồng làng nghề biết làm thương mại gắn với du lịch.
Đặc biệt, cần lưu ý đến yếu tố hấp dẫn là tính đặc trưng của sản phẩm làng nghề; có thể áp dụng mô hình "mỗi làng một sản phẩm" đã được nhiều nơi thực hiện thành công. Với vùng đất có nền văn hiến lâu đời như Hưng Yên, mô hình này được triển khai không những nâng cao thu nhập cho người dân mà còn đóng góp tích cực cho sự nghiệp gìn giữ những giá trị truyền thống trong bề dày lịch sử văn hóa. Bà Lan Hương khẳng định.
Đoàn khảo sát đến tham quan tại làng nghề hương xạ Cao Thôn, xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN |
Chia sẻ về kinh nghiệm khai thác các làng nghề truyền thống Hà Nội để phục vụ phát triển du lịch, ông Kiều Việt, cán bộ Sở Du lịch Hà Nội cho biết, những năm gần đây Hà Nội đã coi trọng việc nâng cấp hạ tầng cơ sở, cải thiện cảnh quan môi trường, tổ chức các trung tâm mua sắm gắn với hệ thống làng nghề, du lịch kết nối giữa phố nghề và làng nghề truyền thống. Thành phố cũng đang thực hiện thí điểm mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc để nhân rộng; đồng thời xây dựng 2 làng nghề này trở thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Riêng đối với Hà Nội và Hưng Yên, có thể tận dụng vị trí địa lý thuận lợi dọc vành đai sông Hồng, phối hợp triển khai liên kết xây dựng các tour du lịch trên sông tham quan di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, tour du lịch gốm sứ ven sông Hồng, trong đó Hà Nội có gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan; Hưng Yên có gốm sứ Xuân Quan... Ông Kiều Việt nhấn mạnh.
Mai Ngoan