Bài 1: Thức dậy những tiềm năngXây dựng mô hình bền vững Dịch vụ du lịch cộng đồng xuất hiện nhiều năm nay ở các tỉnh miền núi, tuy có nhiều điểm hấp dẫn nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định do nhận thức cũng như tư duy kinh tế của người dân chưa cao. Bên cạnh việc thiếu kiến thức khi làm dịch vụ, một yếu tố được coi là điểm trừ tại các điểm du lịch này là vấn đề vệ sinh môi trường chưa được cải thiện do thói quen hàng ngàn năm của người dân miền núi.
Lễ khai mạc chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ IX và Tuần Du lịch Ba Bể, năm 2017. Ảnh: Vũ Hoàng Giang - TTXVN |
Năm 2009, tỉnh Bắc Kạn được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chọn là một trong 5 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) có điều kiện phát triển du lịch cộng đồng để tài trợ với tổng kinh phí lên tới 11 triệu USD (tương đương 198 tỷ đồng). Kế hoạch này nằm trong Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng giai đoạn 2009 - 2013. Nhằm khơi dậy tiềm năng du lịch của Vườn quốc gia Ba Bể, hướng đến xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo hướng phát triển bền vững, Ngân hàng Phát triển châu Á đã triển khai nhiều hạng mục như: Xây dựng trung tâm du lịch, mở các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch cho người dân bản địa… Đặc biệt, ADB đã đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh cho tất cả các gia đình đang làm dịch vụ homestay đã giải quyết được hạn chế mà hầu hết các điểm du lịch cộng đồng đều mắc phải. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Hà cho biết, trong số những gia đình làm du lịch trên địa bàn tỉnh, có tới 70% chưa qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ. Trước đây, việc cung cấp dịch vụ homestay của người dân tại đây chủ yếu do tự phát theo nhu cầu của khách tham quan nên chất lượng còn thiếu và yếu. Khoảng chục năm về trước, khách du lịch thường chỉ đến Pác Ngòi buổi sáng, đi dạo quanh lòng hồ vào buổi trưa, đến chiều lên xe trở về thành phố. Từ khi có dự án của Ngân hàng phát triển châu Á đầu tư, người dân được tiếp cận với kiến thức nên cách làm cũng dần chuyên nghiệp hơn. Ông Hoàng Văn Chuyền, chủ nhà nghỉ Hoàng Chuyền cho biết, nhà ông có 30 phòng trọ, nhưng đều huy động con cháu trong nhà tham gia phục vụ du khách chứ không thuê người ngoài. Những lúc vắng khách, nhân lực trong nhà tranh thủ làm ruộng, chăn nuôi gia súc để cung cấp lương thực cho khách du lịch. Vì vậy, kiến thức về dịch vụ du lịch còn hạn chế. Việc tập huấn cho các hộ kinh doanh là hết sức cần thiết, nhất là trình độ ngoại ngữ. "Khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới, để có thể giao tiếp và hiểu được nhu cầu của họ, chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của Nhà nước thông qua các lớp tập huấn", ông Chuyền chia sẻ. Chị Sandra, du khách người Thụy Sỹ tới đây cùng năm người bạn cho biết, chị đã đi du lịch và trải nghiệm dịch vụ homestay ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng ở Pắc Ngòi cho chị một cảm giác thân thiện, thú vị. "Người dân ở đây vô cùng thân thiện và đáng yêu, họ khiến chúng tôi cảm thấy như mình là những thành viên lâu ngày trở về nhà vậy. Đây chắc chắn là quãng thời gian đáng nhớ và ý nghĩa trong cuộc đời của chúng tôi dù nó rất ngắn ngủi", chị Sandra nói. Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ AC Nielson về xu hướng du lịch, có tới 97% du khách muốn trải nghiệm thiên nhiên và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho kỳ nghỉ thân thiện với môi trường, mang lại nhiều lợi ích thực sự cho người nghèo. Rõ ràng, việc phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống đang trở thành một xu thế trong nền “công nghiệp” không khói của Việt Nam mà Bắc Kạn là một trong những tỉnh triển khai thành công theo hướng chuyên nghiệp dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).Những trải nghiệm kỳ thú Du lịch cộng đồng hay còn gọi là du lịch khám phá chứa đựng nhiều yếu tố hấp dẫn du khách ở mọi tầng lớp. Một trong những "điểm nhấn" độc đáo của loại hình du lịch này là nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền. Việc tìm hiểu về phong tục, tập quán và tham gia các sinh hoạt cùng người dân bản địa không chỉ mang lại những trải nghiệm thú vị, mà còn đọng lại trong tâm trí du khách những "kỷ niệm" rất ý nghĩa.
Đua thuyền độc mộc, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc trong Hội xuân Ba Bể. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Hồ Ba Bể được mệnh danh là hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam và nằm trong top 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới cần được bảo tồn. Chính vì thế, lòng hồ có diện tích lên tới 650 ha với chu vi 8km nằm giữa rừng nguyên sinh đã trở thành điểm đến lý tưởng cho những tín đồ du lịch ở khắp mọi nơi. Hầu hết những du khách đã từng đến Ba Bể đều mong sẽ có dịp quay lại vì rất ấn tượng với phong cảnh thiên nhiên nơi đây khi mọi thứ đều được giữ gìn nguyên sơ. Cảm xúc bắt đầu xuất hiện với bất kỳ du khách nào khi đặt chân lên chiếc xuồng hướng về hòn đảo nhỏ nằm giữa lòng hồ, lọt trong khung cảnh của núi rừng hùng vĩ. Ở đó là các bản Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, bản Cám với 90% là người Tày sinh sống. Trong suốt thời gian lưu trú tại đây, khách sẽ được trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khi trực tiếp tham gia sinh hoạt cùng người dân bản địa (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Điều ấn tượng đối với những người quanh năm bận rộn chốn đô thành, là tận hưởng không khí trong lành đến ngỡ ngàng khi sáng sớm ngồi nhâm nhi ly cafe bên ban công nhà sàn, ngắm bình minh lên trên mặt hồ xanh biếc. Chị Vũ Minh Luyến, 29 tuổi, đến từ Mỹ Tho cho biết, đây là lần thứ hai chị đến Ba Bể và khẳng định chưa phải lần cuối cùng. "Trái với những gì liên quan đến ẩm thực đang diễn ra ở các thành phố, thực phẩm tại Ba Bể được chính quyền địa phương cam kết là tuyệt đối an toàn khi mọi nguyên liệu dùng để chế biến đều do người dân tự cung, tự cấp, nên chúng tôi rất yên tâm. Tôi yêu con người, cảnh vật và cả những món ăn nơi đây", chị Luyến tâm sự. Sự mộc mạc, tấm lòng hiếu khách của người dân bản địa và những món ăn truyền thống đầy hấp dẫn đã khiến cho những vị khách khó tính nhất cũng phải cảm thấy hài lòng khi đến với bản làng yên bình và xinh xắn. Tuy nhiên, sự thăng hoa của những tâm hồn yêu thích khám phá mới thực sự dâng trào khi tham gia hành trình khám phá vẻ đẹp của Hồ Ba Bể. Theo lịch trình, du khách được dành trọn một ngày cuối cùng để thăm thú những di tích lịch sử, hang động, thắng cảnh trên lòng hồ như đền An Mã, ao Tiên, động Puông... Lênh đênh trên mặt hồ xanh biếc, du khách được đắm mình giữa những cánh rừng hoang sơ với thảm thực vật vô cùng phong phú, tạo nên vẻ đẹp kỳ bí, ngây ngất lòng người. (Còn tiếp)
Đỗ Bình