Họp báo về kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII

Họp báo về kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII

Mặc dù là Kỳ họp cuối năm, tập trung đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước cả năm 2015, song Kỳ họp thứ 10 tới vẫn dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật nhằm triển khai thi hành Hiến pháp 2013. 

Theo đó, trong thời gian 31 ngày làm việc (khai mạc vào 20/10 và dự kiến bế mạc vào 28/11), Quốc hội sẽ dành 19 ngày để thảo luận, xem xét thông qua 18 luật, 16 nghị quyết và cho ý kiến 8 dự án luật.Trong đó, nhiều dự án luật quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp như hoạt động điều tra, công tố, kiểm sát, xét xử, thi hành án...và nhiều đạo luật có liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 nhằm hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. 

Quang canhr buổi Họp báo về kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Quang canhr buổi Họp báo về kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII. Ảnh: TTXVN


Quốc hội dành 12 ngày để thảo luận, xem xét kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước 2015, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016; đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. 

Khoảng 30 báo cáo cũng được gửi tới Quốc hội, trong đó có báo cáo về việc đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để làm cơ sở ban đầu cho việc xem xét sửa đổi các đạo luật đảm bảo tính tương thích với các cam kết quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. 

Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 -2014; thảo luận góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. 

Một nội dung quan trọng nữa của kỳ họp là Quốc hội quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Tổng thư ký Quốc hội, phê chuẩn Phó Chủ tịch và Uỷ viên Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định ngày bầu cử toàn quốc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. 

Thông tin với báo chí, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hoạt động chất vấn sẽ là một sự khác biệt lớn tại kỳ họp thứ 10 này. Mặc dù vẫn chỉ diễn ra trong 2,5 ngày nhưng tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ chất vấn tổng thể việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ XIII đến 2015. Tại các phiên chất vấn này, tất cả các thành viên Chính phủ sẽ đều phải có mặt và làm rõ các chất vấn của đại biểu Quốc hội xung quanh việc thực hiện những “lời hứa” của mình từ đầu nhiệm kỳ. Thủ tướng Chính phủ tham dự phiên chất vấn và có thể trực tiếp trả lời hoặc báo cáo tổng quát về những ý kiến liên quan theo thẩm quyền. 



Có thể bạn quan tâm