Họp báo công bố kết thúc đàm phán TPP

Họp báo công bố kết thúc đàm phán TPP

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Trần Quốc Khánh cho biết: TPP giúp GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào 2025. Việc tham gia với tư cách một trong những thành viên đầu tiên sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Riêng với lĩnh vực xuất khẩu sẽ tạo một cú hích không nhỏ từ các nước thành viên như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada khi giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt hơn, cứ một tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra khoảng 250 ngàn việc làm các loại sẽ nâng tổng kim ngạch xuất khẩu thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương ông Trần Quốc Khánh chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Thứ trưởng Bộ Công Thương ông Trần Quốc Khánh chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Trần Việt - TTXVN



Thống kê từ Bộ này cũng cho thấy, Việt Nam đang xuất siêu sang các thị trường thuộc khu vực TPP. Do vậy không có cơ sở nào chứng minh rằng kịch bản nhập siêu sẽ xấu đi khi xuất khẩu nhiều khả năng tăng hơn nhập khẩu. Hơn nữa, tới đây sẽ có một làn sóng đầu tư mới khi Việt Nam đã trở thành tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài. Đây sẽ là cơ hội đưa Việt Nam lên một tầm cao mới với những sản phẩm mang tính chất lượng cao. Cùng đó, việc xóa bỏ thuế nhập khẩu sẽ không gây tác động đột ngột bởi được thực hiện theo lộ trình. Do vậy, thu từ thuế nhập khẩu có thể giảm nhưng sản xuất kinh doanh phát triển sẽ bổ sung cho GDP cả nước. 

Ngoài những thuận lợi, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng luôn đi kèm với các rủi ro thách thức. Sau 18-24 tháng tới, có thể ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi hàng hóa từ các nước lớn tràn ngập thị trường. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam hội nhập bởi từng tham gia WTO, ASEAN và đã có nhiều quan tâm của Chính phủ. Lần này, ngành chăn nuôi sẽ có ít nhất 10 năm trước khi thuế suất về 0%. 


Trả lời câu hỏi của báo giới trước việc hội nhập giúp Việt Nam mạnh lên, tăng sức cạnh tranh nhưng không cẩn thận sẽ rơi vào trạng thái nghèo sẽ nghèo thêm và chỉ có lợi cho người giàu, ông Khánh chia sẻ: "Trong quá trình phát triển, khoảng cách giàu nghèo sẽ giãn ra nhưng Nhà nước sẽ luôn có công cụ điều tiết và liên quan đến việc điều hành hơn là tác động TPP. Về phía cơ quan Nhà nước, chúng tôi xin đảm bảo sự tăng trưởng sẽ đồng đều, lan tỏa và không để khoảng cách gia tăng". 

Sau khi kết thúc đàm phán Việt Nam sẽ cùng các nước rà soát pháp lý để đảm bảo lời văn và biểu cam kết thể hiện đúng cam kết đàm phán. Ngoài ra, Hiệp định sẽ được dịch thuật và công bố rộng rãi trong thời gian sớm nhất, cố gắng hoàn thành trong nửa đầu tháng 11/2015, trên cơ sở hoàn tất sớm rà soát pháp lý. Cơ quan quản lý cũng sẽ dành thời gian để tham vấn ý kiến người dân và các doanh nghiệp, tiến hành ký kết hiệp định và thực hiện quy trình thông qua TPP trong 18-24 tháng tới. 

Cũng theo Thứ trưởng Khánh, về cơ bản cơ hội sẽ đi kèm với thách thức nhất là với các mặt hàng khi thuế suất về 0% như thịt gà, lợn- những mặt hàng Việt Nam vẫn còn yếu về cạnh tranh. Thứ trưởng Khánh cho biết thêm với mặt hàng thép, ô tô và giấy tại Việt Nam đang ở phân khúc trung bình trong khi sản phẩm của các nước khác đều thuộc hàng cao cấp. Vì thế, để thực thi cam kết sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số qui định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, môi trường và lao động. 

"Các bước tiếp theo khi đàm phán thành công sẽ được hoạch định kế hoạch và rà soát pháp lý để đảm bảo các biểu cam kết đúng như kết quả đàm phán. Với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này nhất là thực hiện theo lộ trình". Thứ trưởng Khánh khẳng định./. 



Có thể bạn quan tâm