Ngày 28/9, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch và chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022, với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với Trà Vinh được đầu tư cho vùng đồng bào Khmer. Nguồn vốn đầu tư tập trung vào các dự án thiết yếu phục vụ dân sinh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer.
Cụ thể một số dự án thiết yếu quan trọng sẽ được tỉnh đầu tư thực hiện cho vùng đồng bào Khmer, như: hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào Khmer và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học; bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khoẻ, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; phát triển nhóm dân tộc thiếu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn...
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, dân số của tỉnh trên 1 triệu người; trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm gần 32%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn. Trong giai đoạn I (2022-2025), tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện 10 dự án với tổng kinh phí đầu tư trên 1.711 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 1.124 tỷ đồng, khoản còn lại do ngân sách địa phương đối ứng, vốn vay tín dụng chính sách và từ nguồn vốn huy động hợp pháp. Năm 2022, tỉnh bố trí đầu tư hơn 400 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hơn 167,390 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 25 tỷ đồng, vốn vay tín dụng chính sách 162 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp 47 tỷ đồng.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của đồng bào Khmer đạt 80 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3%/năm; địa phương giảm 50% ấp đặc biệt khó khăn và không còn xã đặc biệt khó khăn.
Phúc Sơn