Tạo điều kiện tốt nhất để con em đồng bào Khmer học tập. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Từ năm 1992, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn của một tỉnh mới tái lập, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh vẫn đề cao quyết tâm chính trị phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer. Cụ thể, Tỉnh ủy Trà Vinh đã đề ra 3 Nghị quyết chuyên đề hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer. Một trong những giải pháp được Tỉnh ủy Trà Vinh xác định để phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer một cách căn bản và đạt hiệu quả vững chắc là tập trung cho công tác giáo dục, đào tạo. Nhiều năm qua, tỉnh tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất hệ thống trường lớp, trang thiết bị dạy học và xây dựng đội ngũ giáo viên trong vùng có đông đồng bào Khmer đạt trình độ chuẩn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 3.334 cán bộ, giáo viên, nhân viên là người Khmer, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dạy và học của con em đồng bào Khmer, Trà Vinh tranh thủ từ nguồn lực Trung ương, đi đầu trong các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển hệ thống trường Phổ thông dân tộc nội trú từ tỉnh đến huyện. Ngoài trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh và Trường Trung cấp Pali Khmer, 8 huyện và thành phố trong tỉnh đều có trường Phổ thông dân tộc nội trú, đáp ứng nhu cầu giáo dục và hoạt động nội trú. Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông huyện Tiểu Cần là trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng từ đầu năm 2016 với kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Các trường dân tộc nội trú thực hiện tốt công tác giáo dục và chăm sóc học sinh Khmer, chất lượng dạy và học được đánh giá năm sau cao hơn năm trước. Trong Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông huyện Trà Cú và Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông huyện Tiểu Cần đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Thầy Kim Tana, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông huyện Tiểu Cần cho biết, trường có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, trường có các cơ sở để sinh hoạt, giáo dục truyền thống, nhà đa năng phục vụ cho rèn luyện sức khỏe, năng khiếu, có nhà ăn và khu nghỉ ngơi riêng cho học sinh. Cùng với đầu tư phát triển chương trình giáo dục phổ thông, việc dạy chữ Khmer và văn hóa Khmer tại các trường đều được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh quan tâm. Ông Thạch Mu Ni - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh khẳng định, việc dạy chữ Khmer góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy truyền thống của đồng bào. Hiện toàn tỉnh có 121 trường có dạy chữ Khmer. 134/143 chùa Khmer ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức dạy chữ Khmer vào dịp hè theo chương trình sách giáo khoa Khmer ngữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn. Điển hình là chùa Jambudipavararama ở ấp Bãi Xào Giữa, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, hơn 10 năm qua đều tổ chức các lớp ngữ văn Khmer, sơ cấp và trung cấp Pali cho học sinh, tăng sinh. Đại đức Giang Sô Thanh, trụ trì chùa cho biết, khi theo học tại chùa, học sinh, tăng sinh được trang bị nhiều kiến thức xã hội học như môn Địa lý, Lịch sử, tiếng Anh, Toán học, Giới luật, Công dân… Chương trình tiếng Khmer gồm có: Ngữ văn Khmer, ngữ pháp Pali Khmer, dịch thuật Pali sang Khmer, Phật pháp căn bản và triết học các hệ phái… Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thành Nguyện cho biết, Sở luôn chú trọng thực hiện tốt các chính sách, hỗ trợ học tập, miễn, giảm học phí, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên, chăm lo đời sống giáo viên đúng theo quy định. Cùng với đó, tỉnh còn tạo điều kiện hỗ trợ cho giáo viên là các vị sư, Achar đứng lớp như: hỗ trợ bàn ghế, sách giáo khoa Khmer ngữ cho học sinh, tập huấn nghiệp vụ sư phạm, hỗ trợ kinh phí đứng lớp dạy chữ Khmer trong dịp hè. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức kỳ thi công nhận trình độ Ngữ văn Khmer cho hơn 1.000 học sinh. Mỗi năm, tỉnh đều thực hiện cử tuyển khoảng 100 học sinh Khmer vào hệ dự bị đại học, nhằm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ để đáp cho yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer của tỉnh.
Phúc Sơn