Các đại biểu chủ trì Hội thảo. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý về văn hóa và các nghệ nhân đều cho rằng, hiện nay điều kiện để thực hành âm nhạc Chăm ngày càng bị thu hẹp. Nghệ nhân Chăm ngày một già yếu và ít đi; lớp trẻ thiếu mặn mà với việc kế tục truyền thống văn hóa âm nhạc của dân tộc, trong khi xu thế hội nhập ngày càng phát triển với nhiều khó khăn và thách thức đan xen. Do đó, các giá trị di sản văn hóa các dân tộc, trong đó có di sản âm nhạc Chăm đứng trước nguy cơ mai một là khó tránh khỏi.
Theo ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thực tế từ trước tới nay, giải pháp bàn về văn hóa Chăm đã có không ít hội thảo được tổ chức. Tuy nhiên, chưa có hội thảo chuyên sâu nào bàn kỹ về những giá trị đặc sắc của di sản âm nhạc Chăm, cũng như đưa ra được những giải pháp cụ thể phù hợp, để bảo tồn và phát huy trong đời sống thực tế hiện nay.
Một tiết mục di sản âm nhạc Chăm được các nghệ nhân biểu diễn tại Hội thảo. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết: Hội thảo về bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc đồng bào Chăm được tổ chức để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa, những nghệ nhân và những người quan tâm đến âm nhạc cổ truyền của người Chăm cùng trao đổi, lắng nghe ý kiến tâm huyết cũng như những trăn trở, nhằm nhìn nhận đánh giá về những giá trị di sản âm nhạc Chăm; thực trạng tồn tại và vị trí âm nhạc cổ truyền trong đời sống cộng đồng người Chăm; cách thức bảo tồn các di sản âm nhạc… Qua đó, để đưa ra các định hướng, giải pháp cụ thể cho việc bảo tồn và phát huy một cách có hiệu quả, đúng đắn trong đời sống hiện nay.
Giải pháp hữu hiệu được các nhà nghiên cứu đưa ra tại hội thảo là đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa, nhận diện di sản; truyền dạy và đưa âm nhạc vào trường học; tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá và đề cao di sản, làm cho di sản âm nhạc được phục hồi; đồng thời tạo điều kiện cho nghệ nhân tham gia đóng góp, truyền đạt cho thế hệ trẻ học tập và phát huy.
Một tiết mục di sản âm nhạc Chăm được các nghệ nhân biểu diễn tại Hội thảo. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Nhạc sĩ Amư Nhân cho rằng, cần đưa được âm nhạc dân tộc Chăm trở thành một thể loại âm nhạc phục vụ nhu cầu giải trí chung của xã hội; không nên bó hẹp trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng và chỉ phục vụ cho nhu cầu cộng đồng người Chăm. Một giá trị văn hóa sẽ càng có giá trị khi nó đem đến lợi ích cho nhiều người. Vì thế trong các lễ hội, vai trò của âm nhạc cần được chú trọng hơn bằng việc dàn dựng những chương trình có chất lượng, đậm màu sắc của văn hóa dân tộc, không nên lạm dụng các nhạc cụ điện tử mà quên đi nét độc đáo của nhạc cụ dân tộc.
Văn hóa phi vật thể của đồng bào Chăm rất phong phú và đa dạng với 72 loại hình lễ và hội, trong đó có múa và hát. Nhiều các loại hình dân ca, dân vũ, những bản thánh ca, tráng ca, anh hùng ca… vẫn còn nguyên bản. Các điệu múa, điệu trống trong các lễ hội tín ngưỡng dân gian được giới thiệu và được công chúng trong cả nước biết đến./.
Công Thử
TTXVN