Ông Tô Mạnh Tiến, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN |
Hội thảo đã phân tích và đưa ra các khuyến nghị nhằm ngăn chặn nguy cơ sa mạc hóa tại Tây Bắc, một trong 3 vùng trọng điểm suy thoái đất cao của cả nước; đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao hơn nữa vai trò của cộng đồng trong việc quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp bền vững. Tại hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế Tổng cục Lâm nghiệp chỉ ra rằng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay 30% diện tích đất tự nhiên của Việt Nam bị suy thoái, chủ yếu là trên diện tích đất nông nghiệp với trên 840.000 ha. Riêng vùng Tây Bắc có tổng số 1,25 triệu ha đất đã và đang có nguy cơ bị suy thoái, tương đương với 33,8% tổng diện tích tự nhiên của vùng; trong đó, diện tích suy thoái chiếm 1,9% diện tích đất tự nhiên, tương đương 71.000 ha. Đặc biệt, theo ông Nguyễn Phú Hùng, vùng Tây Bắc có địa hình núi cao dốc, độ che phủ rừng thấp và lượng mưa bình quân mỗi năm cao, nguy cơ đất bị thoái hóa càng nghiêm trọng. Tuy vậy, nguyên nhân chủ yếu vẫn được xác định là do con người tác động tiêu cực lên đất đai làm thay đổi trạng thái sinh, lý hóa của đất.
Do đó, hội thảo cũng thống nhất để từng bước ngăn chặn tình trạng suy thoái đất, cộng đồng cần có nhiều giải pháp từ giải pháp thủy lợi như xây dựng thêm các công trình điều tiết nguồn nước, khai thác hợp lý và bảo vệ nước ngầm, xây dựng các đập chắn ngầm, xử lý nước thải và sử dụng nước hồi quy. Đồng thời, dự báo hạn hán, xây dựng các chính sách phòng chống hạn hán đến giải pháp canh tác tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ bề mặt của nước như bảo vệ diện tích rừng hiện có đặc biệt là rừng tự nhiên, chuyển đổi và sắp xếp cơ cấu kinh tế cơ cấu mùa vụ cây trồng phù hợp, thiết lập các hệ thống canh tác nông lâm kết hợp canh tác trên đất dốc...
Lào Cai được đánh giá là địa phương bảo vệ tốt trên 353.000 ha rừng hiện có bằng cách nâng cao có hiệu quả vai trò của cộng đồng trong quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp. Hằng năm, Lào Cai đã trồng mới từ 6.000 - 8.000 ha rừng một số cây trồng cho năng suất và giá trị kinh tế cao đã đưa vào sản xuất. Người dân sống gần rừng, tham gia bảo vệ phát triển rừng ngày càng được hưởng lợi từ rừng nhiều hơn. Chia sẻ về kinh nghiệm của tỉnh Lào Cai trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, hiện toàn bộ diện tích rừng tự nhiên của địa phương đều được khoán bảo vệ với mô hình khoán hợp lý phù hợp với từng địa phương; trong đó, ưu tiên khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư thôn bản trên cơ sở đồng quản lý có sự chia sẻ lợi ích giữa cộng đồng dân cư với chủ rừng.
Hương Thu