Hội thảo đẩy mạnh hoạt động bảo tồn sinh học, bảo vệ môi trường bền vững

Hội thảo đẩy mạnh hoạt động bảo tồn sinh học, bảo vệ môi trường bền vững

Chiều 24/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng (Liên hiệp hội) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Viện Gustav-Stresemann (GSI) tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam”.

Hội thảo đẩy mạnh hoạt động bảo tồn sinh học, bảo vệ môi trường bền vững ảnh 1Thanh niên Đà Nẵng tham gia chương trình đào tạo về kinh tế tuần hoàn. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng đánh giá, Dự án mang lại hiệu quả tích cực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung Tây Nguyên. Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện dự án như đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu suy thoái… nhưng với sự hỗ trợ của các bên liên quan, Dự án vẫn hoàn thành hầu hết các mục tiêu đã đề ra một cách trọn vẹn.

Ông Nguyễn Đình Phúc cho rằng, Dự án sắp khép lại, nhưng kết quả và tính bền vững của dự án vẫn tiếp diễn. Hành trình bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam vẫn tiếp tục, vì thế luôn cần sự chung tay góp sức của tất cả các cấp chính quyền, cộng đồng và các bên liên quan.

Dự án “Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam” có nhiều mô hình, chương trình, dự án nhỏ đạt hiệu quả cao, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, giúp người dân địa phương phát triển sinh kế, trong đó phải kể đến mô hình “Phụ nữ Quảng Bình bảo tồn và phát triển loài sa sâm bản địa”.

Hội thảo đẩy mạnh hoạt động bảo tồn sinh học, bảo vệ môi trường bền vững ảnh 2Bà con Cơ Tu, tỉnh Thừa Thiên Huế nhận diện, thu thập các loài cây thuốc quý trong rừng. Ảnh: TTXVN

Nhận thấy Sa sâm là một loại dược liệu quý, vừa là một loại rau tự nhiên hoang dã của vùng đất cát ven biển xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, mô hình tổ hợp tác gồm 35 thành viên là phụ nữ được thành lập để quản lý hoạt động trồng, phát triển và bảo tồn loại cây này. Tính đến nay, 1.500 mét vuông vườn Sa sâm đã được triển khai và mở rộng ra khu vực 2.500 mét vuông vào vụ sau. Sản phẩm Sa sâm của dự án đã được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ VietGAP để giới thiệu ra thị trường, góp phần tăng giá trị và cải thiện thu nhập cho các thành viên chi hội phụ nữ. Với thành công bước đầu, dự án được Ủy ban nhân dân xã Hải Ninh phê duyệt thành lập một khu bảo tồn cho loài Sa sâm bản địa này.

Hoạt động nghiên cứu, bảo tồn Chà vá chân nâu tại Bán đảo Sơn là một trong những hợp phần quan trọng của dự án “Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường bền vững tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam”. GreenViet đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn tổ chức hai đợt khảo sát về sự phân bố và số lượng của loài Chà vá chân nâu trên bán đảo. Đồng thời, hai đơn vị phối hợp thực hiện giám sát định kỳ hàng quý từ 2021-2023 để hạn chế những tác động ảnh hưởng đến sinh cảnh và sự phát triển của quần thể này tại Bán đảo Sơn Trà.

Hội thảo đẩy mạnh hoạt động bảo tồn sinh học, bảo vệ môi trường bền vững ảnh 3Bà con Cơ Tu, tỉnh Thừa Thiên Huế nhận diện, thu thập các loài cây thuốc quý trong rừng. Ảnh: TTXVN

Với khảo sát này, GreenViet đã thiết kế 11 tuyến đường rừng, với tổng chiều dài 71,7 km, tuyến được thiết lập ngẫu nhiên theo hướng Bắc - Nam qua các sinh cảnh sống của loài, mỗi tuyến cách nhau 1 km. Thông qua phương pháp khảo sát Distance Sampling (khảo sát theo tuyến, quan sát động vật, tính toán khoảng cách). cho phép ước tính số liệu cụ thể về số lượng, phân bố, mật độ Voọc có ở Bán đảo Sơn Trà. Kết quả cho thấy, số lượng cá thể Voọc chà vá Chân nâu tăng lên so với năm 2016, phân bố rộng trên nhiều sinh cảnh và quần thể Voọc đang được bảo vệ tốt. 

Theo báo cáo, trong 42 tháng thực hiện (từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2023), Dự án đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Huy động được khối Doanh nghiệp và các tổ chức tài trợ hơn 4,6 tỷ đồng thực hiện các ý tưởng, dự án nhỏ về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực hơn 50 tổ chức xã hội, câu lạc bộ, đoàn thể hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho 25 sáng kiến liên quan; thực hiện 4 chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đa dạng sinh học cho cộng đồng và thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp với các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững; điều tra, giám sát và truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức nhằm bảo vệ quần thể Vọoc chà vá chân nâu tại Bán đảo Sơn Trà là một hợp phần quan trọng và kết quả thành công nổi bật của Dự án; huy động nguồn lực tài trợ từ doanh nghiệp và cộng đồng để trồng hơn 13.924 cây xanh đô thị, góp phần vào thực hiện “Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Chính phủ.

Dự án “Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam” được Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tài trợ hơn 15 tỷ đồng. Dự án được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 1709/QĐ-UBND ngày 14/5/2020, giao Liên hiệp hội Đà Nẵng làm Chủ dự án, Trung tâm GreenViet và Viện GSI phối hợp thực hiện.

Võ Văn Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm