Tuyên Quang bảo vệ rừng gắn với bảo tồn các loài động vật quý hiếm

Tuyên Quang bảo vệ rừng gắn với bảo tồn các loài động vật quý hiếm

Tỉnh Tuyên Quang có trên 448 nghìn rừng, đây là ngôi nhà chung của nhiều loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện nhiều giải pháp như tích cực trồng rừng, bảo vệ rừng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hạn chế tình trạng săn bắn thú rừng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm để bảo vệ môi trường sinh thái cùng hệ động, thực vật phong phú đa dạng của địa phương.

Tuyên Quang bảo vệ rừng gắn với bảo tồn các loài động vật quý hiếm ảnh 1Cán bộ Kiểm lâm Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu tăng cường tuần tra, kiểm tra các cánh rừng. Ảnh: Thu Huyền

Quyết tâm cùng dân giữ rừng

Ông Dương Văn Xy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang có hệ sinh thái rừng rất đa dạng và phong phú với trên gần 1.500 loài động, thực vật, có nhiều loại được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Các loại thực vật quý hiếm phải kể đến quý trai, nghiến, bách xanh đá, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, thông Pà Cò. Cùng với đó là nhiều loài động vật thuộc Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới như voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, khỉ lông vàng, khỉ mặt đỏ, cu li lớn, cu li nhỏ, tắc kè, rắn hổ mang,…

Thời gian qua, để quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn các loài động, thực vật, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về rừng; phối hợp các cơ quan chức năng, các tổ chức bảo tồn nghiên cứu động vật hoang dã quản lý, bảo vệ các loài động vật nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn; kiện toàn, duy trì hoạt động của các tổ công tác liên ngành cấp huyện và cấp xã trong thực hiện quản lý và bảo vệ rừng.

Thôn Bản Bung, thôn đặc biệt khó khăn của xã Thanh Tương, nằm trong vùng lõi của rừng đặc dụng Na Hang, là thôn điển hình làm tốt công tác bảo vệ rừng. Nhiều năm nay, ở Bản Bung không còn tình trạng phá rừng, chặt gỗ hay săn bắt động vật rừng, ngày càng nhiều loài chim như cò cổ xanh, chim gâu đa, chim héc về làm tổ tại những cánh rừng của Bản Bung.

Tuyên Quang bảo vệ rừng gắn với bảo tồn các loài động vật quý hiếm ảnh 2Rừng đặc dụng Cham Chu có hệ động thực vật đa dạng phong phú, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Ảnh: Thu Huyền

Ông Ma Văn Phương, Trưởng thôn Bản Bung, xã Thanh Tương, huyện Na Hang cho biết, cùng với lực lượng kiểm lâm, bà con nhân dân ở Bản Bung giữ và bảo vệ hệ sinh thái rừng rất nghiêm ngặt. Hàng năm, bà con đều ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng. Những người Tày, người Dao ở đây vẫn truyền tai nhau dạy bảo con cháu “Tuyệt đối không xâm phạm đến rừng, chung sống được với rừng thì cũng chính là bảo vệ cho cuộc sống của thế hệ tương lai”. Khi rừng được bảo vệ, nguồn nước dành cho sản xuất và sinh hoạt được đảm bảo, hạn chế thiên tai, đời sống cũng vì thế được ổn định.

Hiện tượng từng đàn các loài chim di cư về tránh trú theo mùa cũng đã xuất hiện trở lại vài năm nay ở khu vực rừng đặc dụng Cham Chu, huyện Hàm Yên. Theo ông Nông Giang Nam, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu cho biết, Rừng đặc dụng Cham Chu có tổng diện tích tự nhiên trên 15 nghìn ha, nằm trên địa bàn 83 thôn, bản của 5 xã: Trung Hà, Hà Lang, Hòa Phú (Chiêm Hóa); Yên Thuận, Phù Lưu (Hàm Yên). Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền các các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng thôn, hộ gia đình, tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ động vật rừng, nhất là các loại động vật quý hiếm, các loài chim quý được phát hiện ở rừng đặc dụng; bảo vệ những cánh rừng để tạo môi trường sinh sống tốt nhất cho động vật, chim chóc về sinh sống; khuyến khích người dân tố giác các đối tượng có hành vi săn bắt, bẫy, giết, nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển, kinh doanh động vật hoang dã, các loài chim di cư trái pháp luật. Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm tra khu vực trọng điểm về săn bắt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm săn bắn, sát hại, mua bán, tiêu thụ các sản phẩm thịt thú rừng, chim rừng.

Tuyên Quang bảo vệ rừng gắn với bảo tồn các loài động vật quý hiếm ảnh 3Cán bộ Kiểm lâm Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu xác định các khu vực đi tuần tra rừng. Ảnh: Thu Huyền

Kiên quyết xử lý

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, nhờ làm tốt các giải pháp, số vụ việc vi phạm pháp luật về động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm. Nếu các năm 2020 - 2021, lực lượng chức năng tỉnh Tuyên Quang kiểm tra phát hiện, xử lý 8 vụ, việc vi phạm pháp luật về động vật hoang dã, tang vật tịch thu 10 cá thể động vật rừng thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm, 128 cá thể động vật rừng thông thường, thì từ năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Tuyên Quang phát hiện, xử lý 2 vụ, việc, thu giữ 01 cá thể cầy hương, thuộc nhóm Động vật nguy cấp quý hiểm và 5,5kg là bộ phận cá thể Sóc rừng, thuộc nhóm Động vật thông thường

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng gắn với bảo tồn các loài động vật quý hiếm, ông Dương Văn Xy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện có hiệu quả chính sách giao khoán bảo vệ rừng và dựa vào dân để giữ rừng; phối hợp với các tổ chức bảo tồn, chính quyền các địa phương nghiên cứu làm tốt công tác bảo vệ và phát triển các loài động vật đang sinh sống dưới tán rừng; tổ chức cho người dân ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Lâm nghiệp năm 2017; tổ chức kiểm tra và ký cam kết với các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh không mua bán, tiêu thụ, sử dụng các loài động vật là sản phẩm có nguồn gốc là động vật hoang dã nằm trong danh mục nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ.

Tuyên Quang bảo vệ rừng gắn với bảo tồn các loài động vật quý hiếm ảnh 4Hệ sinh thái rừng tại khu vực rừng đặc dụng Cham Chu ngày càng được bảo vệ nghiêm ngặt cũng bảo vệ môi trường sống cho nhiều loài động thực vật sinh sống dưới tán rừng. Ảnh: Thu Huyền

Đồng thời, các cấp chính quyền và lực lượng kiểm lâm trong tỉnh tạo điều kiện cho người dân làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã nhằm hạn chế tình trạng săn bắn tự nhiên; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, nắm chắc tình hình nuôi, nhốt động vật hoang dã của các cơ sở đươc cấp phép...

Thu Huyền

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm