Toàn cảnh hội nghị hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân –TTXVN |
Kinh tế tập thể, hợp tác xã bước đầu phát huy hiệu quả
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tính đến hết năm 2016, toàn quốc có hơn 19.500 hợp tác xã, tăng khoảng 3,07% so với thời điểm cuối năm 2013; thu hút trên 6,2 triệu thành viên tham gia. Trong giai đoạn này, khoảng 5.600 hợp tác xã được thành lập mới và 4.800 hợp tác xã đã giải thể. Tổng số hợp tác xã phải tiến hành chuyển đổi theo Luật là 15.606 hợp tác xã, trong đó 13.094 hợp tác xã đã chuyển đổi và đăng ký lại (chiếm 83,9%); 338 hợp tác xã đã chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác (chiếm 2,87%) và chỉ còn khoảng 2.036 hợp tác xã (chiếm 13,23%) chưa tiến hành chuyển đổi theo Luật do còn vướng mắc một số vấn đề như: tài sản, công nợ...
Doanh thu bình quân năm 2016 đạt trên 3 tỷ đồng/hợp tác xã, tăng 19,8% so với năm 2013; lãi bình quân tăng từ 155 triệu đồng/hợp tác xã năm 2013 lên 196,8 triệu đồng/hợp tác xã năm 2016. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã tăng từ 22,8 triệu đồng năm 2013 lên 31,3 triệu đồng năm 2016.
Sau 5 năm triển khai Luật Hợp tác xã 2012, nhiều mô hình hợp tác xã tốt đã ra đời và phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các thành viên như: Hợp tác xã Evergrowth (Sóc Trăng), Hợp tác xã Quý Hiền (Lào Cai), Hợp tác xã Ỷ La (Tuyên Quang) ...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn tồn tại nhiều hạn chế về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước cũng như hạn chế trong nội tại các hợp tác xã. Một trong những nguyên nhân quan trọng đó là chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, định hướng, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển. Nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa đầy đủ, chưa hiểu đúng vai trò bản chất của hợp tác xã trong tình hình hiện nay, nhiều hợp tác xã vẫn trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”, chưa đổi mới triệt để, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mô hình hợp tác xã kiểu cũ còn ảnh hưởng nặng nề trong khi hợp tác xã kiểu mới chưa thực sự phát huy vai trò, hoạt động hiệu quả, chưa huy động được sự tham gia của thành viên vào các hoạt động của hợp tác xã .
“Phương thức sản xuất tự do, nhỏ lẻ đã trở thành thói quen, giữ vai trò chủ đạo trong tư duy sản xuất của người nông dân. Trong khi đó có rất ít mô hình liên kết sản xuất thành công, có hiệu quả để tuyên truyền, nhân rộng, nhất là các chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước cho Vụ Hợp tác xã thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao Bằng Khen của Thủ thướng Chính phủ cho các tổ chức và cá nhân. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao Bằng khen của Chính phủ cho Đại diện của các Hợp tác xã tiểu biểu xuất sắc. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN |
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trong lĩnh vực nông nghiệp, số hợp tác xã thành lập mới đã thể hiện được đúng tôn chỉ mục đích tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tiêu chí thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới. Ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm vào cuộc, ở đó phong trào hợp tác xã kiểu mới phát triển. Người đứng đầu hợp tác xã (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành) quyết định sự phát triển hiệu quả của chính tổ chức kinh tế này.
Chỉ động viên sẽ không giải quyết được vấn đề, cần có quyết sách về nguồn lực, nếu không bố trí nguồn lực không thể thúc đẩy hợp tác xã phát triển nhanh được, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Tán thành với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc có vai trò quan trọng quyết định hiệu quả hoạt động của hợp tác xã. Hiện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang xây dựng đề án thành lập trung tâm kiểm toán hợp tác xã làm tăng tính minh bạch trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị hợp tác xã.
Bài học được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân rút ra là ở đâu Bí thư, Chủ tịch vào cuộc quyết liệt, ở đó có chuyển biến. Nơi nào chưa khẳng định rằng hộ cá thể về căn bản là không phù hợp với kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập thì còn chần chừ. Lấy ví dụ từ Thành phố Hồ Chí Minh, 80% giá trị sản xuất nông nghiệp là từ hộ cá thể, 15% từ các doanh nghiệp, 5% từ hợp tác xã, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cơ cấu của thành phố phát huy tối đa vai trò hộ cá thể, phát huy vai trò hợp tác xã còn thấp.
“Cần khẳng định lại hộ cá thể ngày càng nỗ lực để thích nghi nhưng về lâu dài đây không phải là mô hình thích ứng với kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập mà phải tiến lên hợp tác xã”, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định. Theo ông, vị trí của doanh nghiệp rất quan trọng, doanh nghiệp có thể hợp đồng với một số nông dân làm người lao động trực tiếp, cung cấp đầu vào chất lượng cao cho hợp tác xã và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nhưng doanh nghiệp trong nông nghiệp không thể thay thế được đa số nông dân. Trên 95% đất đai và lao động nông nghiệp Việt Nam vẫn tự làm thông qua hộ cá thể hoặc hợp tác xã.
Từ thực tế so sánh giữa hộ trồng rau của hợp tác xã và hộ trồng rau bên ngoài ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năng suất rau của hợp tác xã cao hơn chỉ 0,7%, nhưng hộ nông dân bán cho hợp tác xã có uy tín, có thương hiệu nên giá bán cao hơn 10% và điều quan trọng nhất là thu nhập của hộ nông dân trong hợp tác xã cao hơn tới 35,7% nhờ giảm được các chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tưới tiêu… “Nông dân muốn thu nhập cao hơn hãy vào hợp tác xã”, ông Nhân nêu rõ.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra một số giải pháp để phát triển hợp tác xã trong thời gian tới như khắc phục nợ văn bản, thống nhất nhận thức về hợp tác xã kiểu mới, hướng dẫn về giải thể hợp tác xã, sớm triển khai hình thành hệ thống kiểm toán hợp tác xã cả nước; nâng số hợp tác xã được hỗ trợ tiếp cận về vốn lên trên 50%; có chương trình hỗ trợ về làm hệ thống xuất xứ hàng hóa; hỗ trợ hợp tác xã xuất khẩu; gắn nông thôn mới với phát triển hợp tác xã, tỷ lệ nông dân làm nông nghiệp trong hợp tác xã phải chiếm ít nhất 30%...
Còn theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong nền kinh tế thị trường, kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn sẽ không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Mô hình hợp tác xã là mô hình tối ưu trong việc hỗ trợ các hộ gia đình phát triển sản xuất hiệu quả, tạo vị thế bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong thị trường. Những hiện tượng trong những năm qua như được mùa mất giá, sản xuất dư thừa, không có thị trường tiêu thụ, “giải cứu dưa hấu”, “giải cứu thịt heo”... sẽ còn tiếp diễn nếu các hộ nông dân tiếp tục sản xuất kinh doanh đơn lẻ, cá thể như hiện nay. Lời giải cho tất cả các bất cập trên là phải tuyên truyền, thuyết phục bà con tự nguyện tham gia vào tổ chức hợp tác xã. “Tham gia hợp tác xã là yêu cầu và xu thế tất yếu để hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển bền vững, đủ năng lực cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Ưu đãi về thuế để tạo điều kiện hỗ trợ hợp tác xã phát triển
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh phải đưa Luật Hợp tác xã 2012 vào cuộc sống tốt hơn, giải quyết các nợ đọng về văn bản. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về hợp tác xã, xây dựng hệ thống đăng ký trực tuyến, trong đó có sự liên thông giữa thủ tục đăng ký hợp tác xã và đăng ký thuế để đảm bảo thống nhất, minh bạch quy trình đăng ký hợp tác xã trên toàn quốc. Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đến năm 2030 để có định hướng, chính sách tổng thể, lâu dài cho hợp tác xã, hướng đến mục tiêu dứt khoát có 15.000 hợp tác xã trong lĩnh vực vực nông ngiệp hoạt động có hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hướng dẫn thủ tục đăng ký chuyển đổi hợp tác xã sang doanh nghiệp và các loại hình kinh tế khác; hướng dẫn định mức và thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg (phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 – 2020). Bộ chủ trì xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở rà soát nội dung Quyết định 2261, bảo đảm hỗ trợ tập trung, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao; xây dựng hướng dẫn đồng bộ tiêu chí phân loại hợp tác xã để thực hiện thống nhất trên cả nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi về thuế riêng cho hợp tác xã để tạo điều kiện hỗ trợ hợp tác xã phát triển và xem xét quy định thuế thu nhập doanh nghiệp cho hợp tác xã chỉ bằng khoảng 70% so với doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu để miễn thuế 2 năm đầu đối với hợp tác xã mới thành lập, hỗ trợ về thuế theo quy định trong thời hạn từ 3 đến 5 năm, miễn thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập có được từ vốn góp của hợp tác xã, cập nhật trong sửa đổi luật thuế và một số luật trong năm 2018.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thành nghị định về bảo hiểm nông nghiệp và tổng hợp kết quả xử lý nợ đọng, nợ xấu trong khu vực nông nghiệp, có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Hiện mới có 12/63 tỉnh, thành phố có báo cáo, tổng nợ xấu, nợ đọng của hợp tác xã đã là 300 tỷ đồng.
“Chúng ta cũng nên nghiên cứu để xóa nợ khê đọng cho các hợp tác xã đối với nguồn gốc từ ngân sách để tạo điều kiện cho hợp tác xã có thể phá sản, giải thể hoặc có thể chuyển đổi được để lấy dư địa cho phát triển hợp tác xã kiểu mới tốt hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án liên thông giữa thủ tục đăng ký hợp tác xã và đăng ký thuế, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn xử lý tài sản không chia của hợp tác xã khi giải thể, chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác, các quy định về đánh giá tài sản không chia. Đây là vấn đề hiện nay các hợp tác xã đang vướng mắc nhiều.
Bộ Tài chính phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hướng dẫn quy định về kiểm toán hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã, trình Thủ tướng ban hành quyết định về quy chế hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã của địa phương. Đối với quỹ Trung ương, Phó Thủ tướng cho biết đã trình Thủ tướng đồng ý thành lập quỹ phát triển hợp tác xã trung ương với số dư 1.000 tỷ đồng và trong điều kiện ngân sách khó khăn hiện nay, năm nay cũng trích ra 300 tỷ đồng để làm quỹ. Hiện đã có 43 địa phương thành lập quỹ nhưng số dư còn nhỏ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,trình Chính phủ ban hành nghị định về hỗ trợ liên kết hợp tác xã sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; các nghị định sửa đổi Nghị định về chính sách hỗ trợ ngành nghề nông thôn, Nghị định về giảm tổn thất sau thu hoạch và lập đề án trình Chính phủ phê duyệt đổi mới phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội. Xây dựng đề án hỗ trợ phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước ban hành cơ chế chính sách để khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho hợp tác xã vay vốn, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp, sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó đưa tài sản trên đất như nhà lưới, nhà kính, phương tiện hình thành sau sản xuất kinh doanh đều có thể làm tài sản thế chấp để cho vay. Đối tượng vay không chỉ là doanh nghiệp mà cả hợp tác xã, trang trại, nông trại. Ngân hàng Nhà nước thống kê khoản nợ của các hợp tác xã có nguồn gốc từ tín dụng, giải quyết theo nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật hiện hành để tạo điều kiện cho hợp tác xã chuyển đổi hoạt động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo có hướng dẫn về tiền lương làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp chủ nhiệm hợp tác xã không hưởng lương, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội đối với những người là lãnh đạo hợp tác xã và cán bộ hợp tác xã. Đây là vấn đề vướng mắc nhất, Bộ cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để làm tốt vấn đề này.
Phó Thủ tướng đồng tình với đề xuất nghiên cứu ủy thác cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam một số chức năng quản lý nhà nước, có kế hoạch tăng cường năng lực và phát huy hiệu quả của quỹ phát triển hợp tác xã, xây dựng các mô hình điển hình trong việc xây dựng các chuỗi giá trị hỗ trợ cho việc xây dựng thương hiệu của các hợp tác xã…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN |
“Muốn có hợp tác xã kiểu mới, cần phải có tư duy mới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Nhắc lại câu nói của Bác Hồ “nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có hợp tác xã. Hợp tác xã nông nghiệp là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông hưng thịnh. Hợp tác xã nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích đã ích quốc lại lợi dân”, Phó Thủ tướng cho rằng câu nói này đến giờ còn nguyên giá trị. Phải nhận thức về vị trí và vai trò của kinh tế hợp tác, hợp tác xã, nhất là trong nông nghiệp, việc này gắn chặt với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cứu cánh cho tái cơ cấu, không có hợp tác xã nông nghiệp, không thể tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đồng thời phải gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, thực chất là tổ chức lại sản xuất để gắn với ứng dụng khoa học công nghệ; làm cho nông dân liên kết với nhau trong điều kiện của kinh tế thị trường để tăng sức mạnh.
Trong thị trường mất cân xứng hiện nay, đầu vào rất ít người bán nhưng hàng triệu người mua, trong khi đầu ra ngược lại, hàng triệu người bán nhưng rất ít người mua mà không có hợp tác xã đứng ra làm vai trò thương thảo các hợp đồng về tiêu thụ và vật tư thì chỉ thua thiệt cho người nông dân, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hiện vẫn còn mặc cảm tư duy của hợp tác xã thời bao cấp, “phải tránh hai cực, một là buông lỏng, không quan tâm, hai là chạy theo phong trào, phá vỡ các nguyên tắc và các quy luật về kinh tế. Bài học là ở đâu Bí thư, Chủ tịch xắn tay vào, ở đó thành công”.
Chu Thanh Vân