Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Chính quyền địa phương có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước. Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII có nhiều điểm mới, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, định hướng của Đảng về chính quyền địa phương; đồng thời kế thừa những nội dung hợp lý và sửa đổi, bổ sung các bất cập, vướng mắc trong thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN. |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, số lượng đại biểu HĐND, Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện được tăng lên, thành lập thêm các ban của HĐND cấp xã. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục thảo luận, làm rõ những vấn đề như việc lựa chọn, bố trí con người cụ thể ở các địa phương đảm nhận các vị trí, số lượng cán bộ chuyên trách cho phù hợp, tiêu chuẩn và điều kiện thành lập Ban Dân tộc…nhằm xây dựng, hướng dẫn cụ thể, đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ngay từ khi triển khai thực hiện Luật. Đây là nhân tố hết sức quan trọng góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND các cấp ở địa phương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề về mô hình tổ chức HĐND; công tác quy hoạch, bố trí cán bộ HĐND, tiêu chuẩn đại biểu HĐND; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND từng cấp; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, quyền hạn, chế độ hoạt động của Thường trực và các thành viên của Thường trực HĐND; giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; công tác đào tạo, bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp; chế độ hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND…
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN. |