Hội nghị Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Hội nghị Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống khẳng định: “Chúng ta cần liên kết để phát huy các thế mạnh, khắc phục các hạn chế, vượt qua thách thức, giải quyết kịp thời vấn đề phát sinh trong thực tiễn có tính chất vùng, kết nối và phát huy được tiềm năng của các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm”. 

Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Liêm- TTXVN
Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Liêm- TTXVN

Theo ông Võ Thành Thống, hội nghị sẽ xem xét kế hoạch liên kết, phối hợp toàn vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thống nhất nội dung thực hiện trong thời gian tới; trong đó, hai vấn đề trọng tâm là xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo và sử dụng lao động; thảo luận, tổng hợp nội dung đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm. 

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Liêm- TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Liêm- TTXVN

Qua hội nghị lần này sẽ tìm ra các giải pháp hiệu quả, thiết thực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, đáp ứng nguyện vọng của người dân trong vùng và định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ. 

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các tỉnh, thành trong vùng cần đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phát hành trái phiếu Chính phủ bổ sung để sớm triển khai các công trình, dự án giao thông trọng điểm của vùng. Đồng thời đề xuất Chính phủ có cơ chế cho tăng thêm mức hỗ trợ từ 15-20% cho các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm để các tỉnh, thành này có nguồn lực đầu tư. 

Ông Nguyễn Trung Hiếu nhìn nhận, mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long được mệnh danh là vùng kinh tế hàng hóa nhưng toàn vùng chỉ mới có hơn 40 km đường cao tốc, đây là con số quá ít so với hơn 700 km đường cao tốc của cả nước. Do hạ tầng giao thông chưa phát triển nên mặc dù có cả 4 loại hình giao thông là đường bộ, đường thủy, đường biển và đường hàng không, nhưng kinh tế các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm và cả Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa phát triển ngang tầm cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. 

 

Có thể bạn quan tâm