Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Minh – TTXVN. |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Lê Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội; các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo của 5 tỉnh Tây Nguyên. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Trong thời gian vừa qua, công tác quản lý đất đai nói chung và quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường nói riêng tại các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có quá trình phức tạp, thay đổi qua từng giai đoạn nhưng chưa có biện pháp giải quyết một cách căn cơ, thấu đáo; tiến độ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính ở các địa phương còn chậm so với tiến độ đo vẽ bản đồ địa chính; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai vẫn còn xảy ra, nhiều vụ việc phức tạp còn chưa được giải quyết dứt điểm làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội... Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, các tỉnh Tây Nguyên, cần tập trung rà soát những dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đặc biệt là giải quyết vấn đề đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Đây là vấn đề hết sức khó khăn mà Bộ Chính trị đã phải ban hành tới hai nghị quyết; Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để giải quyết nhưng vẫn chưa hoàn thành. Hiện nay, các tổ chức, nông, lâm trường hiện đang quản lý khoảng 50% diện tích đất của toàn vùng Tây Nguyên. Nếu thực hiện tốt việc sắp xếp sẽ giải phóng nguồn lực lớn cho phát triển vùng. Cùng với đó, cần tập trung giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai và đất cho đồng bào dân tộc thiểu số; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào để đảm bảo ổn định chính trị, xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên. Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong các đại biểu từ thực tiễn công tác tại địa phương mình chỉ rõ những bất cập, điểm nghẽn trong chính sách pháp luật về đất đai; những mâu thuẫn, chồng chéo với các pháp luật chuyên ngành; đề xuất cơ chế, giải pháp để hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai đặc biệt là để sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2018.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Minh - TTXVN. |
Theo báo cáo của Tổng cục đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tổng diện tích tự nhiên 5 tỉnh Tây nguyên đang quản lý, sử dụng là 5.450.822 ha, chiếm 16,5% tổng diện tích tự nhiên của cả nước. Trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên hiện có 201 công ty nông, lâm nghiệp, trong đó có 108 công ty thuộc đối tượng rà soát, sắp xếp lại theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP. Sau rà soát, sắp xếp đã giải thể 13 công ty, chuyển thành Ban Quản lý rừng phòng hộ 2 công ty. Tổng diện tích đất được giữ lại sau rà soát, sắp xếp là hơn 1.008.713ha. Diện tích đất bàn giao một phần hoặc toàn bộ về các địa phương là hơn 155.300ha. Đối với diện tích đất được giao về cho các địa phương thì diện tích đã dự kiến phương án sử dụng là hơn 109,4 nghìn ha, diện tích còn chưa có phương án sử dụng. Theo đánh giá của Tổng cục đất đai, thực hiện các Nghị quyết, Nghị định của Đảng, Chính phủ liên quan đến lĩnh vực đất đai, các địa phương vùng Tây Nguyên đã cơ bản hoàn thành việc rà soát đất đai gắn với rà soát, sắp xếp lại các tổ chức, chuyển đổi công ty nông, lâm nghiệp và làm cơ sở để xử lý các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất; tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý. Việc rà soát, sắp xếp lại các công ty nông, lâm nghiệp có ý nghĩa rất tích cực về các mặt kinh tế - xã hội, phát huy tối đa nguồn lực đất đai đối với cả nước nói chung và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng. Tuy nhiên, việc rà soát, sắp xếp lại các công ty nông lâm nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: các đơn vị chưa phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, vẫn còn tình trạng sử dụng quỹ đất của Nhà nước để cho thuê, cho mượn, khoán trắng; tình trạng lợi dụng ranh rới giữa rừng sản xuất, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ không rõ ràng để khai thác rừng không đúng pháp luật còn diễn ra. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường còn nhiều lỏng lẻo, sơ hở; số lượng và chất lượng hồ sơ kỹ thuật và pháp lý để quản loại đất này còn thiếu và yếu so với diện tích đất đai còn lại trong thực tế… Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương 5 tỉnh Tây Nguyên cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn địa phương mình quản lý, đặc biệt là đất có nguồn gốc nông, lâm trường.
Anh Dũng - Ngọc Minh