Hội nghị các Quan chức Cao cấp Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)

Hội nghị các Quan chức Cao cấp Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)

Ra đời năm 1994 với 17 thành viên ban đầu, ARF ngày càng phát triển, chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị-an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương. Hội nghị SOM ARF lần này tập trung đánh giá triển khai các hoạt động hợp tác trong năm giữa kỳ 2015-2016, chuẩn bị các hoạt động hợp tác cho năm giữa kỳ tiếp theo và bàn cách thức tăng cường và định hướng tương lai ARF, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế. Dịp này, cuộc họp cũng bàn công tác chuẩn bị Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ARF lần thứ 23 sẽ diễn ra tại Lào vào cuối tháng 7/2016. 

Các đại biểu tham dự SOM Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) chụp ảnh chung: Ảnh: Nguyễn Chiến- TTXVN
Các đại biểu tham dự SOM Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) chụp ảnh chung: Ảnh: Nguyễn Chiến- TTXVN 

Tại hội nghị này, dự thảo do Việt Nam đề xuất đã nhận được phản hồi và đóng góp tích cực của nhiều bên, trong đó EU và Australia đã nhận đồng bảo trợ. Cuộc họp cũng xem xét một số dự thảo Tuyên bố ARF khác như về tăng cường hợp tác quản lý tội phạm di chuyển xuyên biên giới do Trung Quốc và Thái Lan đề xuất; Tuyên bố về ngăn ngừa, phòng chống và xóa bỏ đánh bắt cá trái phép, không báo cáo, không theo quy định do Indonesia, Mỹ và Timor Leste đồng bảo trợ. Cuộc họp cũng dành nhiều thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như tình hình Triều Tiên, Biển Đông, Ukraine, di cư, chống khủng bố. 

Về vấn đề Biển Đông, nhiều nước chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC); một số nước cũng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về việc áp dụng trọng tài quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp như giữa Ấn Độ và Bangladesh, Australia và Timo Leste. 

Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho biết, tại Hội nghị SOM ARF lần này nổi lên nhiều vấn đề thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, như tình hình Biển Đông, Triều Tiên, khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt, an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, di cư, thiên tai, dịch bệnh... 

Trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, nhiều nước đã bày tỏ lo ngại về các nguy cơ đe dọa môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp, kiềm chế, không quân sự hóa, không đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 cũng như các tiến trình pháp lý, ngoại giao; thực hiện hiệu quả DOC và thúc đẩy sớm COC. 

Việt Nam nhấn mạnh trách nhiệm và lợi ích chung của các nước và cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, và đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; nỗ lực thực hiện hiệu quả DOC và sớm tiến tới COC, khẳng định lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông./. 

 

Có thể bạn quan tâm