Hoàng Trần Nghịch - Tác giả cuốn từ điển Thái - Việt đầu tiên

Hoàng Trần Nghịch - Tác giả cuốn từ điển Thái - Việt đầu tiên
Dù ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nghịch vẫn rất minh mẫn và miệt mài với công việc của mình là sưu tầm, nghiên cứu văn học cổ dân tộc Thái. Nhấp chén chè đặc, ông bắt đầu kể về sự nghiệp nghiên cứu của mình. Một kỷ niệm mà ông không bao giờ quên đó là vào năm 1964, ông được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Huyên cấp thẻ vào Thư viện Quốc gia (dù lúc ấy ông chưa phải là Đảng viên). Từ đó, ông có cơ hội được tiếp xúc với các tài liệu quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu. 
 
Các tác phẩm của ông Hoàng Trần Nghịch đã được xuất bản. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN.
 Các tác phẩm của ông Hoàng Trần Nghịch đã được xuất bản.
Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN.

Ông Nghịch kể: Ngày trước đi lại rất khó khăn, từ Sơn La xuống Hà Nội phải mất 3-4 ngày. Do vậy, mỗi lần xuống Hà Nội, ông thường ở lại vài tháng mới về nhà và dành hết thời gian để tìm đọc, nghiên cứu tài liệu tại Thư viện Quốc gia. Đến những năm 1963-1965, nhờ sự giúp đỡ của ông Nguyễn Khánh Toàn, lúc đó là Viện trưởng Viện Khoa học xã hội, ông bắt đầu viết cuốn từ điển Thái - Việt. Đến năm 1991 cuốn từ điển Thái - Việt của ông được xuất bản. 

Đến nay, ông vẫn đặc biệt quan tâm và tâm đắc với cuốn từ điển Thái -Việt. Ông cho biết đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cuốn từ điển này để tái xuất bản. Hiện cuốn từ điển Thái - Việt là tài liệu quan trọng trong việc giảng dạy, nghiên cứu, học tập tiếng Thái ở các trường đại học, cao đẳng và những người yêu tiếng Thái, văn hóa Thái. 

Ông Nghịch sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Bố ông am hiểu phong tục, tập quán và thuộc rất nhiều bài ca nghi lễ của người Thái vùng Tây Bắc. Mẹ ông được sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước. Thành viên của gia đình ông từng có người là nghĩa binh của thủ lĩnh Hoàng Công Chất, đánh đuổi giặc Phẻ, bảo vệ bản mường, núi rừng Tây Bắc, trấn giữ một vùng biên cương thái bình vào thế kỷ 18. Cha mất sớm, anh ruột của ông tham gia hoạt động cách mạng. Từ đó gia đình ông luôn liệt vào danh sách những đối tượng bị theo dõi của chính quyền do thực dân dựng lên lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ông luôn được mẹ dạy bảo và tạo mọi điều kiện để học hành. Ông trở thành một trong số ít thanh niên dân tộc Thái lúc bấy giờ biết đọc thông, viết thạo chữ Thái và chữ quốc ngữ. 
Ông Nghịch với các tác phẩm của mình. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN.
Ông Nghịch với các tác phẩm của mình. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN.

Năm 1952, giải phóng Sông Mã, Sốp Cộp, ông tham gia phụ trách công tác thanh niên của xã và dạy bình dân học vụ cho nhân dân. Từ 1954, ông được cử đi học ở Trường Sư phạm miền núi Trung ương, Trường Đại học ngữ văn…Ông cũng trải qua nhiều vị trí công tác như: Cán bộ của Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam; phụ trách Phòng Ngữ văn – Sở Giáo dục Tây Bắc; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sơn La…Những vị trí công tác nói trên đã giúp ông thực hiện đam mê với công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái. 

Hiện ông có 17 công trình đoạt các giải của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trong đó, “Phương ngôn tục ngữ dân tộc Thái” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông. Tác phẩm được những người trong giới đánh giá là viên ngọc quý của nền văn học dân gian Thái nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Với hơn 800 câu tục ngữ, phương ngôn, tác giả Hoàng Trần Nghịch đã giới thiệu với đông đảo bạn đọc một bức tranh toàn cảnh phong phú, đa dạng về thế giới quan, nhân sinh quan của người Thái được đúc kết trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Đây còn là kết quả của sự đúc kết những kinh nghiệm sống, lao động sản xuất và đấu tranh giai cấp, thể hiện dưới hình thức hết sức ngắn gọn. Tác phẩm được xuất bản năm 1995 bằng tiếng Thái và tiếng Việt. 

Năm 2014, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Sơn La xuất bản cuốn Tóm tắt truyện thơ chữ Thái cổ tập 1, gồm 20 truyện dịch sang tiếng tiếng phổ thông của ông. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng in cuốn Xên Tống ký của ông với gần 600 trang. 

Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Sơn La Trần Đại Tạo khẳng định: Ông Hoàng Trần Nghịch là một trong những người tiêu biểu về sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái. 

Với những công trình có giá trị cao, ngày 19/5 tới, ông Hoàng Trần Nghịch sẽ được nhận giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực Văn học Nghệ thuật. 
Nguyễn Chiến 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm