Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 10/1 đến 16 giờ ngày 11/1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.035 ca mắc mới, trong đó 16 ca nhập cảnh; 16.019 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.236 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.691 ca trong cộng đồng). Trong ngày 11/1 đã có 6.866 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; 256 ca tử vong vì COVID-19.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 31 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1 ca), Quảng Nam (14 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (12 ca), Hải Dương (1 ca), Hải Phòng (1 ca) và Thanh Hóa (2 ca).
Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng Phạm Trần Xuân Anh cho rằng, hiện trên thế giới chưa nghiên cứu rõ người nhiễm chủng Omicron có diễn biến bệnh nặng hơn các biến chủng khác. Biến thể Omicron lây lan nhanh hơn các biến chủng khác nhưng biến chứng nhẹ hơn. Trước mắt, để ứng phó với biến chủng này, cần triển khai tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 và tiêm mũi 3; người dân thực hiện nghiêm biện pháp 5K của Bộ Y tế.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến chiều 11/1, cả nước đã tiêm trên 162,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19; riêng ngày 10/1, có gần 1,1 triệu liều vaccine được tiêm chủng.
Đến ngày 10/1, số liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 147.346.994 liều, trong đó có 70.338.486 mũi 1; 65.183.660 mũi 2; 1.295.563 mũi 3 (vaccine Abdala); 3.008.655 liều bổ sung và 7.520.630 liều nhắc lại.
Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 100% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 92,6% dân số từ 18 tuổi trở lên
Có 36/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản trên 90%; 22/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều từ 80 – dưới 90%; 05/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều dưới 80%.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 28/CĐ-TTg ngày 11/1/2022 về việc thần tốc tiêm vaccine và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng COVID-19. Bộ Y tế chịu trách nhiệm bảo đảm đủ vaccine phòng và thuốc cho điều trị COVID-19, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc sản xuất, tự chủ vaccine trong nước nhanh nhất có thể và bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả; có văn bản hướng dẫn cụ thể cho UBND, sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thần tốc hơn nữa tổ chức tiêm vaccine và tăng cường điều trị tại nhà; tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham khảo ý kiến các chuyên gia về việc tiêm vaccine các mũi tăng cường phòng COVID-19; quyết liệt hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, cá thể hóa trách nhiệm để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm trong phòng, chống dịch COVID-19...
Ngày 11/1, Bộ Y tế có Công điện số 55 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Bộ Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác tiêm chủng vaccine và đảm bảo sử dụng vaccine nhanh chóng, hiệu quả, Bộ Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo việc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng và chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, các địa phương hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 1/2022 và liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên theo Công văn 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021 về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và liều nhắc lại trong Quý I năm 2022; rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine, khẩn trương tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; bảo đảm an toàn trong tiêm chủng.
Ngày 11/1, Bộ Y tế đã thông tin về ý kiến của Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế đối với tác dụng phụ và các khuyến cáo quan trọng đối với việc sử dụng thuốc Molnupiravir.
Theo đó, thuốc Molnupiravir được sử dụng để điều trị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày. Đặc biệt, Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp. Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.
Bên cạnh đó, Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.
Đối với nam giới, Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc. Không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sỹ hoặc dược sỹ để được tư vấn và xử trí kịp thời.
PV