Mô típ ngôi sao tám cánh xuất hiện trên nhiều trang trí của các dân tộc
Hoa văn trang trí dân tộc là sản phẩm vật chất của lao động, đồng thời cũng là sản phẩm văn hóa, là biểu hiện sinh động của kỹ thuật thủ công gắn liền với khả năng thẩm mỹ. Mỗi dân tộc có cách tạo hình trang trí và sử dụng trang phục theo những đặc điểm văn hóa riêng của mình. Đó là sự thể hiện một trình độ thẩm mỹ cao, một đời sống tâm hồn giàu chất mỹ cảm nguyên sơ mà phong phú, hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên. Nó đã vượt qua giá trị sử dụng thông thường để đạt đến trình độ khá cao của thẩm mỹ dân gian. Có thể thấy cùng với tiếng nói, hoa văn dân tộc là một di sản văn hóa truyền thống độc đáo mang đặc trưng riêng rất dễ nhận biết của mỗi tộc người.
Mô típ ngôi sao tám cánh của các dân tộc có những biến thể khác nhau
Về mô típ, hoa văn các dân tộc chung nhau nhiều yếu tố trang trí. Các hoa văn được cách điệu hóa dưới dạng hình học, phần lớn là: ô chéo, ngôi sao tám cánh, móc câu, chữ thập, hồi văn, hình vuông thủng, đường thẳng, hình thoi, đường zích zắc... tuy nhiên mỗi dân tộc đã tiết chế ra những mẫu trang trí khác nhau về tính cách với nhiều biến dạng phong phú mang đậm màu sắc của núi rừng và thiên nhiên. Về mô típ động vật điển hình thì có: rồng, hươu, nhện, bướm, ếch, rùa, công, phượng, chim,... đó là những con vật gắn bó, gần gũi với cuộc sống từng dân tộc, các hoa văn được kết cấu một cách linh hoạt, lồng ghép, chồng xếp, móc nối... trên nền vải nhưng không làm phá vỡ bố cục chung.
Về mặt bố cục, một số kiểu bố cục chung như thành dải và ô chéo cũng xuất hiện trên nhiều trang phục dân tộc nhưng cũng có những khác biệt. Như vậy có thể thấy mỗi một kiểu bố cục, hay một số mô típ hoa văn không phải là đặc thù của một dân tộc mà nó cũng mang đặc thù trong kho vốn chung cổ kính của nhiều cộng đồng khác nhau từng chung sống lâu đời trên đất nước ta. Tuy nhiên mỗi một tộc người đều có những biến thể riêng không thể trộn lẫn.
Trong quy trình tạo hình và trang trí hoa văn trên vải, mỗi một dân tộc lại có những kỹ năng, kỹ xảo khác nhau như triết nếp, khâu đột, khâu luồn sợi, khâu vắt; các kỹ thuật tạo hoa văn như thêu của dân tộc Dao, Phù Lá; in hoa văn bằng sáp ong (kỹ thuật batik) của H’Mông, Dao Tiền; kỹ thuật ikat của Cơ Tu, Khơ Me; ghép vải của dân tộc LôLô, Pu Péo; dệt của Thái, Mường và một số dân tộc Tây Nguyên.
Kỹ thuật thêu phổ biến ở các dân tộc Dao, Mông, Thái, La Chí. Trong đó Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc Mùn, Dao Ôgang, Dao Quần Chẹt đều có kỹ thuật thêu thoáng trên nền vải đen, vải chàm. Kỹ thuật thêu này để lộ nền đen có tác dụng làm giảm độ rực chói, mạnh mẽ của các mầu nguyên sắc làm cho hòa sắc chung trở nên đồng điệu, trang nhã. Trong đó kỹ thuật thêu của người Dao Tiền khá đặc biệt, không thêu đè lên các sợi vải mà luồn chỉ theo mắt sợi gọi là thêu luồn sợi, thêu ở mặt trái nhưng các hoạ tiết hoa văn lại nổi lên trên mặt phải của vải. Các họa tiết thêu chủ yếu là hình sao tám cánh, hình chữ thập ngoặc đơn và ngoặc kép, hình gà, hình hoa lá...
Người Mông thì có kỹ thuật thêu lát và thêu chéo mũi. Hai cách thêu này làm cho việc tạo nét mềm mại chủ động, phóng khoáng, không bị gò bó như trong kỹ thuật thêu luồn sợi. Trang trí mang được sắc thái rất riêng biệt, có bản sắc thẩm mỹ của dân tộc rất rõ nét.
Dân tộc La Chí thường có hai loại thêu chủ yếu là thêu móc và thêu xuyên. Trong đó, kỹ thuật thêu xuyên đơn giản hơn, nên chủ yếu được dùng để thêu các đường viền, còn thêu móc có độ phức tạp và cầu kỳ gồm các mô-típ hoa văn hình tam giác, hình chấm tròn, hình quả trám... với nhiều gam màu khác nhau là xanh trắng, đỏ, vàng, tím.
Kỹ thuật dệt
Nổi bật cho nghệ thuật dệt vải phải kể đến dân tộc Mường, Thái. Phụ nữ người Mường, Thái hầu như ai cũng biết dệt vải, đó là tiêu chuẩn đánh giá tài năng và sự đảm đang của người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng. Do vậy, mặc dù điều kiện sống và các phương tiện rất thô sơ nhưng họ đã dệt được những tấm váy, áo rất đẹp và đặc trưng cho dân tộc mình. Cùng một loại hoa văn nhưng trong quá trình dệt, mỗi người lại cải biên, cách điệu các chi tiết để tạo nên kiểu dáng hoa văn theo ý thích cá nhân. Những người già thường giữ phong cách, quy tắc truyền thống để bảo lưu kỹ thuật dệt và hoa văn mẫu mực đã được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong khuôn khổ. Các thiếu nữ trẻ khi dệt thường tự do phóng khoáng hơn nên mẫu dệt có phần bị biến cải.
Thổ cẩm của người Mường mang đậm màu sắc hoa văn của núi rừng và thiên nhiên... Hoa văn trên thổ cẩm là những hình cách điệu từ hoa dẻ, hoa hồi, hạt gấc, quả trám... Nhưng độc đáo nhất vẫn là chiếc cạp váy. Cạp váy dệt bằng sợi tơ tằm với nhiều loại hoa văn trang trí trong đó có hoa văn động vật (phổ biết nhất là các mô - típ rồng, phượng, hươu, rùa, cá, nhện) hoa văn thực vật (hoa sen, hoa cà) và hoa văn hình học. Bên cạnh đó, những dân tộc trên dãy Trường Sơn như người Cơ Tu và Tà Ôi ngoài việc dệt hoa văn bằng chỉ màu, họ còn có sở trường dệt hoa văn bằng hạt cườm, tạo nên những hình ảnh sống động.
Kỹ thuật batik
Kỹ thuật này được sử dụng phổ biến ở người H’Mông và Dao Tiền. Người ta vẽ hoa văn bằng sáp ong bằng cách nhúng bút vẽ vào sáp ong nấu chảy rồi vẽ lên vải mộc các họa tiết hoa văn. Sáp ong sẽ dính lại trên nền vải, sau đó tấm vải được đem đi nhuộm chàm nhiều lần cho đến khi có được màu như ý muốn. Những chỗ vẽ sáp ong thì nước chàm sẽ không thấm vào. Sau khi giặt và phơi khô, người ta nấu chảy sáp ong đi cho sáp ong bám trên nền vải tan ra tạo những họa tiết trắng trên nền vải chàm sẫm. Ngoài ra họ cũng in sáp ong bằng cách dùng khuôn có chạm khắc các học tiết trang trí sẵn rồi nhúng vào sáp ong được đun nóng và dập lên vải mộc.
Kỹ thuật Ikat
Là kỹ thuật “nhuộm bao sợi”. Để có được những dải hoa văn gợn sóng trên vải thổ cẩm, người thợ dệt phải thực hiện qua nhiều công đoạn bằng cách che chắn, bao các đoạn sợi lại rồi mang đi nhuộm màu để sau đó chúng có tông màu đậm, nhạt khác nhau. Hoa văn này tuy đơn giản, không nổi bật như hoa văn hạt cườm hay hoa văn chỉ màu nhưng có màu sắc tự nhiên, mộc mạc, cổ xưa, những đường nét mờ ảo như mây như sóng. Tuỳ theo ý đồ trang trí của người thợ dệt, hoa văn gợn sóng được bố trí thành từng mảng, từng vệt dàn trải, chạy đều trên toàn bộ tấm vải dệt. Trước đây kỹ thuật này khá thịnh hành ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nhưng nay đã thất truyền, chỉ còn người Cơ Tu ở làng Công Dồn (Nam Giang) nắm giữ kỹ thuật Ikat.
Hoa văn thêu chữ vạn đơn, chữ vạn kép của dân tộc Dao
Hoa văn bằng sáp ong của dân tộc Mông
Chắp vải là kỹ thuật tạo hoa văn bằng nhiều miếng vải nhỏ, màu sắc khác nhau khâu lên trên một tấm vải đơn sắc, đây là một kỹ thuật được sử dụng phổ biến ở dân tộc Lô Lô đen, Lô Lô hoa, Pu Péo và H’Mông. Trong những khuôn thức bố cục chặt chẽ, các màu nguyên sắc được bố trí bên nhau làm rõ, làm tăng độ tương phản vốn có khiến hòa sắc trở nên rực rỡ, tươi sáng. Người Pu Péo thì ghép trên trang phục các dải hoa văn chắp ghép bằng vải mầu xanh, đỏ, trắng, tím, vàng, nổi lên rực rỡ viền quanh 2 tà áo. Các hình tam giác, quả trám, hình chữ nhật là những hình cơ bản được chắp ghép một cách tỉ mỉ, khéo léo trên tấm choàng phủ trước váy, quanh gấu váy và trên khăn đội đầu. Nhiều mẫu trang trí bằng cách chắp vải tạo nên các họa tiết hình mào gà, mặt trời thể hiện những ý niệm chung về tín ngưỡng sùng bái. Người H’Mông có kỹ thuật đáp vải rất tinh xảo gọi là "đáp vải ngược", nghĩa là mảnh vải đáp được cắt lượn thành các hoạ tiết rồi đáp lên y phục để lộ màu nền bên dưới.
Cùng màu sắc và kỹ thuật thể hiện, các mô típ hoa văn trở nên vô cùng tinh tế, bố cục chặt chẽ, hòa sắc rực rỡ và mang tính đặc trưng riêng. Có thể khẳng định, hoa văn cũng là một trong những nguồn sử liệu quý khi nghiên cứu về lịch sử văn hoá tộc người.
Mô típ ngôi sao tám cánh xuất hiện trên nhiều trang trí của các dân tộc nhưng có những biến thể khác nhau
Hoa văn thêu của dân tộc Phù Lá
Tóm tắt nghệ thuật tạo hình hoa văn dân tộc
Nghệ thuật tạo hình hoa văn dân tộc Việt Nam rất phong phú, nhiều kỹ thuật và hình thức thể hiện. Đó chính là nét cá tính, cái riêng, cái độc đáo mà bản thân người nghệ nhân dân tộc này tạo ra trong tác phẩm của mình làm cho nó không bị nhòa lẫn trong các hoa văn dân tộc khác. Nó đã vượt qua giá trị sử dụng thông thường để đạt đến trình độ khá cao của thẩm mỹ dân gian. Có thể thấy cùng với tiếng nói, hoa văn dân tộc là một di sản văn hóa truyền thống độc đáo mang đặc trưng riêng rất dễ nhận biết của mỗi tộc người. Mô típ hoa văn của các dân tộc nhìn chung đều có phần phức tạp và tỉ mỉ, màu sắc sử dụng phổ biến và chủ yếu là đỏ, vàng, trắng nổi bật trên nền vải đen để hạ bớt độ chói của các màu nguyên. Về mặt bố cục, một số kiểu bố cục chung như thành dải và ô chéo cũng xuất hiện trên nhiều trang phục dân tộc tuy nhiên mỗi một tộc người đều có những biến thể riêng không thể trộn lẫn. Trong quy trình tạo hình và trang trí hoa văn trên vải, mỗi một dân tộc lại có các kỹ thuật tạo hoa văn riêng như thêu của dân tộc Dao, Phù Lá; in hoa văn bằng sáp ong (kỹ thuật batik) của Mông, Dao Tiền; kỹ thuật ikat của Cơ Tu, Khơ Me; ghép vải của dân tộc LôLô, Pu Péo; dệt của Thái, Mường và một số dân tộc Tây Nguyên. Cùng màu sắc và kỹ thuật thể hiện, các mô típ hoa văn trở nên vô cùng tinh tế, bố cục chặt chẽ, hòa sắc rực rỡ và mang tính đặc trưng riêng. Có thể khẳng định, hoa văn cũng là một trong những nguồn sử liệu quý khi nghiên cứu về lịch sử văn hoá tộc người.