Hòa Bình phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng

Một lồng cá giống đang được nuôi tại lồng cá khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên phường Thái Bình. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN
Một lồng cá giống đang được nuôi tại lồng cá khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên phường Thái Bình. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Hòa Bình hiện đang là tỉnh nuôi cá lồng bè trên hồ chứa lớn nhất cả nước với 4.750 lồng với sản lượng đạt 5.594 tấn, chiếm 77% giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh. Phát triển nuôi cá vùng hồ cũng đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 5.000 lao động.

Hòa Bình phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng ảnh 1Một lồng cá giống đang được nuôi tại lồng cá khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên phường Thái Bình. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Nhằm tận dụng tối đa diện tích mặt nước hồ Hòa Bình và phía hạ lưu thủy điện và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, tỉnh hình thành các chuỗi khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản nước ngọt, đáp ứng nhu cầu thủy sản cho tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Với tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa là rất lớn, tuy nhiên việc chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản là chưa tương xứng, chưa tận dụng hết tiềm năng mặt nước và nguồn lợi sẵn có. Cùng đó, đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa chưa được quan tâm đúng mức; chưa có sự hỗ trợ và quan tâm thỏa đáng. Việc nuôi các loài cá có giá trị kinh tế, những loài đặc sản, nuôi thâm canh còn hạn chế với cơ sở sản xuất nhỏ do giá thành đầu vào cao...

Để thúc đẩy cho nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh, đem lại sinh kế ổn định cho người dân tại các địa phương trên tỉnh Hòa Bình nói chung, huyện vùng cao Đà Bắc nói riêng, UBND tỉnh Hòa Bình đã cho phép thành lập Hội Nghề cá huyện Đà Bắc.

Theo thống kê diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình cuối năm 2021 đạt khoảng 82 ha, tổng số lồng cá nuôi trên 1.900 lồng, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản 1.300 tấn.

Hội Nghề cá huyện Đà Bắc khi được thành lập sẽ là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, nhiều năm qua chính quyền các cấp đã tăng cường bảo vệ và phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ Hòa Bình. Các hiện tượng sử dụng xung điện hoặc các biện pháp khác để khai thác thủy sản trên vùng lòng hồ giảm đáng kể, không khai thác khu vực cá tập trung đến đẻ trứng vào mùa sinh sản và thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản.

Đến nay, các xã vùng ven hồ Hòa Bình trong huyện Đà Bắc duy trì, phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng, tăng cường chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá. Đồng thời, tận dụng lợi thế sẵn có duy trì, mở rộng thêm quy mô để nghề nuôi trồng thủy sản của huyện ngày một phát triển.

Ông Nguyễn Đăng Giáp, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương cho hay, Hội nghề cá huyện Đà Bắc khi được thành lập sẽ là một sự bảo trợ chắc chắn cho việc phổ biến, huấn luyện, đào tạo kiến thức, dạy nghề nuôi cá lồng cho các hội viên, cá nhân, hộ gia đình. Đồng thời, giúp cho người dân hiểu biết thêm về các quy định liên quan đến nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng lòng hồ Hòa Bình.

Hòa Bình phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng ảnh 2Từ nguồn vốn vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách huyện Đà Bắc, Anh Xa Văn Huy ở huyện Đà Bắc đã đầu tư mở rộng quy mô hệ thống lồng bè với hơn 40 lồng cá nuôi các loại cá đặc sản như cá ngạnh, cá lăng, cá chiên và cá trắm đen..., doanh thu đạt hơn 500 triệu đồng/năm. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Anh Xa Văn Huy, giám đốc Hợp Tác xã dịch vụ sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp Hiền Lương hồ hởi chia sẻ, Hội nghề cá huyện Đà Bắc ra đời sẽ giúp cho các cá nhân, tổ chức, các hợp tác xã nuôi cá lồng ở xã Hiền Lương có thêm nhiều định hướng, nhiều mối liên kết, giúp người dân có thêm niềm tin và yên tâm đầu tư, phát triển kinh tế bằng nghề nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình.

Việc phát triển nghề nuôi cá lồng vùng hồ đã và đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Cùng với đó nhiều năm qua tỉnh Hòa Bình đã tận dụng được nguồn nước hạ lưu hồ thủy điện để phục vụ thủy lợi, phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi, thủy sản… tạo nhiều sản phẩm thủy sản, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.

Trọng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm