Hòa Bình là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Với địa hình núi cao, dốc lớn, trên địa bàn thường xuyên hứng chịu nhiều đợt hạn hán, lũ quét, sạt lở đất nên đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp, tập trung xây dựng, nâng cấp hồ, đập chứa nước nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình và vùng hạ du; đồng thời, nâng cao tinh thần cảnh giác, năng lực của cộng đồng, người dân trong chủ động ứng phó đối với các nguy cơ, rủi ro từ thiên nhiên.
Chủ động trước thiên tai
Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 26/4/2024 với chủ đề “Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai”. Theo đó, các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2024 được phát động tập trung trong những tháng cao điểm mưa bão, nhằm tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ trên địa bàn; hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng về các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho các nhóm đối tượng trong cộng đồng; các mô hình, bài học kinh nghiệm tại cộng đồng về phòng, chống thiên tai; tuyên truyền các quy định của pháp luật, công tác kiểm tra xử lý vi phạm trong phòng, chống thiên tai.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xuất hiện một số hiện tượng thiên tai như nắng nóng, giông lốc, sét, mưa đá..., gây thiệt hại đáng kể tại các huyện Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong... Thiên tai khiến 3 người bị thương; trên 400 nhà, một số cơ sở hạ tầng bị thiệt hại hư hỏng, sạt lở; khoảng 500 ha diện tích nông, lâm nghiệp bị thiệt hại; nhiều gia súc, gia cầm bị chết...; ước giá trị thiệt hại trên 53 tỷ đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình (Cơ quan thường trực về Phòng, chống thiên tai) đã chủ động thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, đánh giá thực tế thiệt hại do mưa lớn kèm giông lốc, mưa đá gây ra. Sở yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục thiệt hại kịp thời, huy động lực lượng hỗ trợ người dân, cử cán bộ chuyên môn trực tiếp đến các gia đình để chỉ đạo khắc phục hậu quả.
Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, bước vào mùa mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình đôn đốc các địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ, đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai được thông suốt. Ban Chỉ đạo ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể khi có đợt mưa, dông lớn xuất hiện; các bản tin cảnh báo thường xuyên được cập nhật, gửi đến các địa phương; yêu cầu các địa phương rà soát lại các trọng điểm về thiên tai như sạt lở đất, lũ quét, ngập úng để sẵn sàng các phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra. Các xã và các thôn, xóm tổ chức phổ biến, tập huấn cho các đội xung kích phòng, chống thiên tai ứng trực, quan sát và kịp thời cảnh báo các sự cố có thể xảy ra để chủ động phòng tránh, khắc phục hậu quả...
Bảo đảm an toàn cho người dân
Là huyện vùng cao có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều khe, suối, núi cao, với tinh thần "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, lấy phòng là chính”, huyện Mai Châu đã chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phương án phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; chỉ đạo các xã, thị trấn sẵn sàng huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm "4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bảo vệ tài sản, tính mạng người dân.
Ông Phạm Văn Hoàn - Chủ tịch UBND huyện cho biết, xác định phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền huyện Mai Châu đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn của huyện; tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai năm 2024; tập trung thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ; chủ động lực lượng phòng, chống thiên tai khi mưa lũ đến.
Theo UBND huyện Mai Châu, do ảnh hưởng mưa dông kéo dài cuối tháng 5/2024, tại xóm Phúc, xã Sơn Thủy (Mai Châu) xảy ra tình trạng đá lăn ảnh hưởng đến 9 hộ dân. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai -Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện phối hợp với UBND xã Sơn Thủy chỉ đạo, huy động lực lượng dân quân tự vệ và đoàn viên, thanh niên xã, xóm hỗ trợ chuyển tài sản của 2 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp và bố trí nơi ở tạm cho 9 hộ tại nhà văn hóa xóm.
Cùng với việc tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Mai Châu huy động tối đa các nguồn lực xử lý các khu vực xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng người dân.
Việc bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi có ý nghĩa quan trọng, vừa đảm bảo sản xuất, phát triển nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn; vừa ngăn ngừa thiệt hại về người, tài sản khi mùa mưa lũ đến. Tỉnh Hòa Bình tiếp tục nỗ lực, phối hợp với các cấp, ngành đẩy nhanh tiến độ các dự án; huy động mọi nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa các công trình trọng điểm về thiên tai, ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thanh Hải