Theo người dân địa phương, từ ngày 6-12/4, tại khu vực rừng tự nhiên núi đá thuộc địa bàn huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình xuất hiện một số đàn khỉ vàng xuống núi tìm kiếm thức ăn ở khu vực nhà dân. Ngay khi nhận được thông tin, Hạt Kiểm lâm huyện và đại diện địa phương cùng nhiều người dân đã lập đoàn kiểm tra, khảo sát thực địa nhiều lần, phát hiện và tiếp cận một đàn khỉ vàng với 3 cá thể đực.
Hiện đàn khỉ này trong tình trạng khỏe mạnh, linh hoạt, nhanh nhẹn. Chính quyền huyện Lạc Sơn đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền và bảo vệ quần thể khỉ vàng và các động vật hoang dã.
Trước đây, địa bàn huyện Lạc Sơn nói chung còn nhiều đất rừng tự nhiên. Đặc biệt, tại khu vực rừng tự nhiên núi đá Khụ Tang có các loài động vật quý hiếm như: Khỉ vàng, cầy, rắn... Số lượng cá thể khỉ vàng được người dân phát hiện mỗi khi đi làm nương rẫy hay khi chúng tụ tập thành từng đàn di chuyển trên các vách núi đá ước khoảng từ 20 đến 30 con.
Theo thời gian, cùng sự phát triển của kinh tế - xã hội và cuộc sống dân sinh đã khiến số lượng các loài động vật hoang dã bị suy giảm nghiêm trọng. Diện tích rừng tự nhiên cũng bị thu hẹp. Để thống kê hay nắm bắt cụ thể số lượng và chủng loại các loài động vật hoang dã đang sinh sống tại đây là điều khó khăn đối với cơ quan chức năng do địa hình chênh vênh núi đá hiểm trở.
Anh Bùi Văn Phúc, xóm Húng chia sẻ, những ngày gần đây, đàn khỉ vàng đã lẻn vào vườn nhà dân để tìm kiếm thức ăn và được người dân chụp ảnh, quay video đăng lên mạng xã hội. Nhiều người dân trong xã cũng phát hiện đàn khỉ vàng khác với số lượng và trọng lượng lớn hơn nhưng ít khi xuống kiếm ăn sát khu dân cư và rất sợ gặp người.
Hạt Phó Hạt Kiểm Lâm huyện Lạc Sơn Trần Ngọc Tuấn cho biết, ngay khi nhận được thông tin, đơn vị đã phối hợp với UBND xã tiến hành kiểm tra, nắm bắt thông tin. Qua khảo sát thực địa nhiều lần, trong các ngày từ 10 - 12/4, tổ công tác cùng với người dân địa phương đã phát hiện và tiếp cận được một đàn khỉ vàng (thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB) thường xuyên xuống kiếm ăn tại địa điểm rừng tự nhiên gần nhà dân.
Ngay sau đó, Hạt Kiểm lâm huyện và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã; tổ chức cắm biển, khuyến cáo và nghiêm cấm các hành vi vi phạm xâm hại đến động vật hoang dã và các cá thể khỉ vàng hiện có; thực hiện các biện pháp bảo vệ quần thể khỉ vàng và các loài động vật hoang dã trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu các hộ gia đình sinh sống trong và gần núi Khụ Tang ký cam kết không săn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, nuôi nhốt, giết hại, chế biến trái phép các loài động vật hoang dã; tố giác hành vi vi phạm tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Chính quyền địa phương cũng tổ chức tuyên truyền người dân không thực hiện các hoạt động xâm hại đến quần thể khỉ vàng và các loài động vật tự nhiên nhằm bảo vệ cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái rừng... gắn với khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống di tích Mái đá Làng Vành.
Nhằm bảo vệ, bảo tồn, phát triển về số lượng và chất lượng các loài động vật hoang dã nói chung, quần thể khỉ vàng nói riêng trên khu vực rừng tự nhiên núi đá Khụ Tang, Hạt Kiểm lâm huyện đã báo cáo với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình và UBND huyện Lạc Sơn; đề nghị các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo và chính sách về tăng cường bảo vệ quần thể khỉ vàng và các loài động vật hoang dã trên địa bàn.
Thanh Hải