Việt Nam đã tham gia Công ước CITES - Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp nhằm đảm bảo việc buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã không đe dọa đến sự sống còn của các loài trong tự nhiên. Công ước CITES gồm nhiều cấp độ khác nhau để bảo vệ hơn 34.000 loài động và thực vật. Tuy nhiên, vấn nạn khai thác, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, gây ra mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học, nhiều loài động vật hoang dã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoặc bên bờ của sự tuyệt chủng. Tại Việt Nam, thực tế đáng "báo động" là một số loài động vật doanh dã đã không còn tìm thấy hoặc rất hiếm.
Tiêu thụ động vật hoang dã diễn biến phức tạp
Theo báo cáo, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới với hơn 11.000 loài thực vật bậc cao có mạch, 1.000 loài rêu, 310 loài động vật có vú, 840 loài chim, 296 loài bò sát, 192 loài lưỡng cư, trên 700 loài cá nước ngọt và khoảng 2.000 loài cá nước mặn, trong đó nhiều loài hoang dã, quý hiếm được đưa vào Sách đỏ cần bảo vệ.
Thời gian qua, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ hiệu quả động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm như: Luật Hình sự năm 2015, Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Đa dạng sinh học 2008, Nghị định, Nghị quyết... Đáng chú ý, Thông tư 90/2008/TT-BNN hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu; Quyết định số 11/2013/QĐ-TTg ngày 24/1/2013 về cấm xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán mẫu vật một số loài động vật hoang dã thuộc các phụ lục của công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp…
Theo bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Chương trình bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tại Việt Nam, Việt Nam được coi là điểm trung chuyển động vật hoang dã, sản phẩm từ động vật hoang dã quý hiếm. Những năm qua, các vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm bị xử lý và ngày càng giảm, tính chất cũng ít nghiêm trọng hơn. Năm 2019 có 5 vụ với 6 bị cáo và 8 tháng năm 2020 có 1 vụ với 1 bị cáo.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Nam Định Lê Hoài Nam cho rằng: Điều 244 Bộ Luật Hình sự (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm) hiện nay khó thực hiện do thiếu những quy định cụ thể trong điều luật như: mức trọng lượng vảy tê tê bao nhiêu thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, Nghị định 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ trong xử phạt hành chính thuộc lĩnh vực lâm nghiệp… có liên quan động vật hoang dã nhưng số lượng án liên quan đến phá rừng ít... Đặc biệt, người dân trong đó người dân tộc săn, bắt được động vật nhưng không biết đó là động vật hoang dã quý hiếm, đang được bảo vệ nên đã xảy ra tình trạng buôn bán, giết mổ... Vì vậy, cần nâng cao nhận thức để người dân thay đổi thói quan săn, bắt... Các đối tượng buôn bán động vật hoang dã chuyên nghiệp hiện nay xử lý chưa được nhiều nên cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để họ từ bỏ hành vi buôn bán động vật trái phép.
Để nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm trong lĩnh vực này, ông Lê Hoài Nam cho rằng cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân sinh sống ở khu vực gần rừng, đời sống vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu, sinh kế còn phụ thuộc phần lớn vào việc săn bắn, buôn bán động vật hoang dã. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của các lực lượng: Công an, Kiểm lâm, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường… trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật trong bảo vệ động vật hoang dã, chủ động tham gia vào công tác phát hiện, đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm. Đồng thời, tăng cường công tác điều tra cơ bản; siết chặt công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các vi phạm, đặc biệt, chú trọng đấu tranh với nhóm tội phạm rao bán động vật, sản phẩm động vật hoang dã trên internet; tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm…
Theo bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (Change), Chỉ thị số 29/CT-TTg mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành về giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã đã giải quyết nạn buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã. Chỉ thị cũng thể hiện nỗ lực của Chính phủ nhằm cứu các loài động vật hoang dã đang suy giảm nghiêm trọng tại Việt Nam và cải thiện hình ảnh của quốc gia trong vấn đề kiểm soát buôn bán động vật hoang dã. Thời gian tới, Change sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình dự án với mục tiêu giảm nhu cầu tiêu thụ trái phép các sản phẩm động vật hoang dã tại Việt Nam, cứu những loài nguy cấp nhất như: tê giác, voi, tê tê… khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Trong đó, có giải pháp đẩy mạnh truyền thông như: Truyền thông đại chúng và truyền thông mục tiêu nhằm truyền tải các thông điệp đến những nhóm đối tượng như: doanh nhân, cán bộ, đảng viên, các phật tử… Đồng thời, tuyên truyền ở các “điểm nóng”; phối hợp với Sở Thông tin truyền thông, Sở Văn hóa thể thao và du lịch; triển khai hoạt động tại các tỉnh biên giới đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên… để từng bước chấm dứt vi phạm liên quan đến động vật hoang dã.
Lý Thanh Hương