Đứng trước lo ngại về các tác động tiêu cực từ việc nuôi nhốt và đối xử ngược đãi với gấu trên lãnh thổ Việt Nam, năm 2016, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình được thành lập với mục đích cứu hộ và nuôi dưỡng các cá thể gấu, đưa chúng trở về với môi trường tự nhiên. Sau 4 năm hoạt động, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đã tổ chức cứu hộ thành công và đưa được 40 cá thể gấu ngựa trở về với môi trường bán hoang dã.
Việt Nam đã tham gia Công ước CITES - Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp nhằm đảm bảo việc buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã không đe dọa đến sự sống còn của các loài trong tự nhiên. Công ước CITES gồm nhiều cấp độ khác nhau để bảo vệ hơn 34.000 loài động và thực vật. Tuy nhiên, vấn nạn khai thác, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, gây ra mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học, nhiều loài động vật hoang dã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoặc bên bờ của sự tuyệt chủng. Tại Việt Nam, thực tế đáng "báo động" là một số loài động vật doanh dã đã không còn tìm thấy hoặc rất hiếm.