Ngày 7/10, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tổng kết Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019-2022.
Dịp này, 200 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2019-2022 đã được trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng Đặng Tấn Giang, từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn, áp dụng công nghệ 4.0 và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ gắn sản xuất với thị trường và các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, nông dân liên kết để tham gia thực hiện cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa tập trung, áp dụng quy trình sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Điển hình như cánh đồng mẫu lớn trồng lúa đặc sản Sóc Trăng ở thị xã Ngã Năm; huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên; vùng nuôi tôm tập trung ở thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Cù Lao Dung… góp phần nâng cao chất lượng và tạo ra sản phẩm có giá trị ngày càng cao làm nền tảng cho việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu như: mô hình đa canh tổng hợp lúa - cá - màu ở vùng ngọt Kế Sách, Mỹ Tú; mô hình lúa - tôm trong vùng nhiễm mặn Mỹ Xuyên, Long Phú; mô hình trồng vú sữa tím xen măng cụt, chanh bông tím, dừa xiêm của hộ ông Phan Văn Thế, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách; hộ gia đình ông Ông Văn Chiến, thị trấn Long Phú với mô hình chăn nuôi dê...
Một số nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị như: Hợp tác xã sản suất nông nghiệp, ấp Trà Do Xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị liên kết sản xuất với Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Lộc Trời; mô hình sản xuất lúa ST24 theo hướng hữu cơ có bao tiêu sản phẩm tại xã Tài Văn…
Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng tiếp tục hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình và đối tượng sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Hội có kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân để không ngừng nâng cao trình độ sản xuất thâm canh, kiến thức quản lý kinh tế và thị trường, giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; huy động tối đa các nguồn vốn, khoa học công nghệ mới, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh, phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Hội tập trung hướng dẫn phong trào phát triển mạnh theo hướng liên kết, hợp tác, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy liên kết giữa các mô hình sản xuất, kinh doanh, giữa các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với nhau để đoàn kết, giúp đỡ để chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa lớn... Bên cạnh đó, Hội đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin sản xuất và tìm kiếm thị trường; tăng cường phối hợp và làm cầu nối để các thành phần kinh tế ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng tăng cường các hoạt động hợp tác với các Viện, Trường, các nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng, các tổ chức và địa phương để tranh thủ các nguồn lực về vốn, khoa học, công nghệ tiên tiến, công tác dạy nghề, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ Hội chỉ đạo phong trào và nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, trình độ quản lý, điều hành các trang trại, gia trại của các hộ nông dân có quy mô sản xuất lớn.
Ngoài ra, Hội còn vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia mô hình kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị của các địa phương, lựa chọn tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã cụ thể làm điểm chỉ đạo để xây dựng mối quan hệ hợp tác, liên kết giữa Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã với doanh nghiệp, cơ sở chế biến, tiêu thụ nông sản và các hộ nông dân.
Nhật Bình