Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Ảnh: nhandan.com.vn |
Tăng khả năng tiếp cận của các đối tượng
Năm 2018, hệ thống chính sách pháp luật tiếp tục được hoàn thiện theo hướng mở rộng hơn quyền được hưởng, mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội, phúc lợi xã hội và an sinh xã hội cho người dân. Nguồn lực thực hiện được tăng cường, nguồn vốn cho việc triển khai thực hiện được Chính phủ, các địa phương ưu tiên bố trí, xã hội quan tâm, đóng góp, huy động. Đời sống vật chất, tinh thần của người có công và gia đình, người nghèo, dân tộc thiểu số, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục được cải thiện. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về người có công và an sinh xã hội ở các địa phương đã đi vào thực chất, đa số người dân đã hiểu biết, nắm được chính sách, làm tăng khả năng tiếp cận, giám sát thực hiện tại cơ sở. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đã cơ bản hoàn thành và vượt so với Nghị quyết số 15-NQ/TW về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Nghị quyết 70/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW (hỗ trợ nhà ở cho người có công, tỷ lệ thất nghiệp, lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân, hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, cứu trợ thiên tai lũ lụt, tỷ lệ đi học của các nhóm, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, tiếp cận thông tin cho người nghèo, vùng nghèo).
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đối với công tác chăm sóc người có công, đến hết năm 2018 đã có 1,3 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên; 11,8 triệu đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế; 59.511 đối tượng người có công và thân nhân được hưởng hỗ trợ về giáo dục đào tạo. Tính đến tháng 8/2018, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ 178.122 hộ (88.350 hộ xây mới và 89.772 hộ sửa chữa), đang triển khai hỗ trợ cho 37.517 hộ (15.837 hộ xây mới, 21.680 hộ sửa chữa). Công tác tìm tiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin được tiếp tục đẩy mạnh. Trong năm đã tìm kiếm, quy tập 1.772 hài cốt liệt sỹ và đối khớp, trả kết quả cho 161 trường hợp xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin. Các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" được tổng kết, nhân rộng trong phạm vi cả nước, như tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng vườn cây tình nghĩa, áo ấm tặng Mẹ, áo lụa tặng Bà, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tu bổ thường xuyên các nghĩa trang liệt sỹ...
Trong công tác giảm nghèo, các chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ phát triển đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các địa phương quan tâm, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai ngay từ đầu năm. Dự kiến đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017), trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2017); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc, miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2017, đạt mục tiêu Đại hội Đảng Khóa XII đề ra.
Công tác trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được quan tâm, triển khai. Đối với trợ giúp xã hội thường xuyên, đến nay cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 2,8 triệu người, trong đó có 42.434 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; hơn 1,6 triệu người cao tuổi; hơn 1 triệu người khuyết tật đang được hưởng trợ cấp; 4.389 người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo... Trong điều kiện hiện nay, 10 địa phương tự cân đối được ngân sách đã nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định: Hà Giang, Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc. 59 tỉnh/thành phố đã chi trả trợ cấp hàng tháng qua bưu điện. Đối với trợ cấp khẩn cấp, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai, tổng thiệt hại ước tính 6.335 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 701,445 tấn gạo cứu đói thiên tai cho 4.417 hộ, 22.970 nhân khẩu thuộc Bắc Kạn, Bình Định, Lai Châu; hỗ trợ gần 12 triệu tấn gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất cho 796.425 lượt người dân thiếu đói thuộc 18 tỉnh; thực hiện hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt với hơn 9,8 triệu tấn cho 623.803 nhân khẩu thuộc 17 tỉnh...
Kết quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn. Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng sự chung tay chăm lo của toàn xã hội, 100% các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sỹ, 97% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú. Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập...
Đánh giá những thành tựu về an sinh xã hội, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng lĩnh vực giảm nghèo là một trong những điểm sáng về kinh tế - xã hội trong năm qua. Cả cộng đồng đã vào cuộc rất quyết liệt và đạt được các chỉ tiêu quan trọng. "Mặc dù chưa thể hài lòng nhưng tỷ lệ giảm nghèo đã đạt được là thành quả rất đáng kể nếu nhìn lại con số năm 1995, tỷ lệ hộ nghèo đến 60% nhưng đến nay chỉ còn dưới 6%. Quan trọng hơn là mức độ thụ hưởng thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội đối với người dân, nhất là những người yếu thế, nếu so với một số quốc gia khác, thậm chí một số nước phát triển hơn thì thấy rõ ràng chúng ta có sự thành công rất lớn"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn đó những hạn chế. Điển hình như: Công tác triển khai chưa đồng đều, vẫn còn biểu hiện hình thức khi xây dựng, tổng kết các chương trình, chính sách về an sinh xã hội. Đời sống của một bộ phận người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn; kết quả giảm nghèo chưa thực sự vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư có xu hướng gia tăng. Mục tiêu tích hợp chính sách thực hiện còn chậm, công tác phối kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành các cấp còn bất cập, dẫn đến nguồn lực bị phân tán, lồng ghép không hiệu quả. Hệ thống văn bản quy định và hướng dẫn thực hiện chính sách còn chồng chéo, do nhiều cơ quan ban hành, thường xuyên sửa đổi, bổ sung gây khó khăn cho quá trình thực hiện chính sách. Nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội còn hạn hẹp; công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân còn nhiều bất cập...
Thời gian tới, các bộ, ngành có liên quan sẽ tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp, các ngành trong xây dựng, thực hiện chính sách xã hội; hoàn thiện hệ thống pháp luật về ưu đãi người có công và an sinh xã hội; xây dựng, trình Quốc hội ban hành các luật trong lĩnh vực an sinh xã hội theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tiếp tục rà soát, sắp xếp các chính sách an sinh xã hội hiện hành, bảo đảm phù hợp với đối tượng, địa bàn cần trợ giúp, đặc điểm kinh tế - xã hội từng địa phương, tránh chồng chéo, dàn trải; sửa đổi, thay thế hoặc bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp...
Cụ thể, các bộ, ngành tiếp tục xây dựng, trình, ban hành các văn bản chính sách về ưu đãi người có công; tập trung nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); thực hiện tốt các chính sách Đền ơn đáp nghĩa: tập trung xử lý các trường hợp tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; đổi mới phương thức chi trả chế độ phụ cấp, trợ cấp cho người có công để tránh tình trạng gian lận, trục lợi chính sách và dễ quản lý, theo dõi...
Đối với chính sách giảm nghèo, các bộ, ngành tiếp tục đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung, tích hợp các chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện nhằm hướng tới hoàn thành mục tiêu về giảm nghèo đặt ra trong năm 2019. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, đề xuất các phương án điều chỉnh chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều và chuẩn nghèo đa chiều trẻ em; tăng cường, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số...
Bên cạnh đó, các bộ, ngành tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tập trung vào lĩnh vực trợ giúp người khuyết tật, quản lý cơ sở trợ giúp xã hội...; hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các chương trình, đề án theo kế hoạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành các cấp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an sinh xã hội và trợ giúp xã hội...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ về chính sách xã hội lưu ý: Để làm tốt công tác an sinh xã hội, cần huy động được sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp, góp phần ổn định, đồng thuận xã hội để phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, cần chú trọng phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền; tạo bình đẳng cơ hội và hỗ trợ cần thiết đối với phụ nữ, trẻ em và các đối tượng dễ bị tổn thương trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.
Phúc Hằng