Ngô sinh khối là thức ăn chính cho đàn bò sữa tại huyện Mộc Châu. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Hộ gia đình ông Nguyễn Thạch Lỏi, ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu hiện có đàn bò sữa gần 200 con. Trước đây, khi đàn bò còn ít, thức ăn được ông sử dụng chủ yếu là cỏ khô hoặc cỏ xanh. Tuy nhiên, về mùa đông thời tiết giá rét, các loại cây thức ăn sinh trưởng và phát triển chậm, thức ăn thô xanh cung cấp cho đàn bò bị thiếu. Khi đàn bò ngày tăng lên, gia đình ông và nhiều hộ gia đình khác phải tìm thêm nguồn thức ăn mới. Việc tìm thức ăn mới vừa phải đảm bảo đàn bò có thể ăn quanh năm, đồng thời giá trị dinh dưỡng vẫn đảm bảo. Ông Nguyễn Thạch Lỏi cho biết, trước vấn đề tìm thức ăn quanh năm cho đàn bò, ông và các hộ nuôi bò sữa đã được các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất ngô sinh khối để làm thức ăn. Cây ngô sau khi đã ủ lên men đúng kỹ thuật có thể dự trữ trong vòng một năm mà chất lượng không bị ảnh hưởng.
Người dân thu hoạch ngô để thực hiện việc ủ thành ngô sinh khối. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN |
Đặc biệt, khi cho bò sữa ăn bằng cây ngô ủ chua, chất lượng sữa tăng lên. Hàm lượng chất béo trong sữa trước chỉ đạt khoảng 3%, nay có thể đạt từ 3,8% - 4%. Ngoài ra, trước đây, khi bò cho ăn không đạt tiêu chuẩn, lượng sữa chỉ đạt khoảng 8 – 9 tấn trong chu kỳ 305 ngày. Hiện nay, trung bình một con bò có thể đạt được gần 12 tấn sữa trong một chu kỳ, không những thế có những con bò đã đạt 15 tấn sữa trong một chu kỳ. Trồng ngô sinh khối có ưu điểm hơn rất nhiều so với trồng ngô lấy hạt, đó là lợi thế về thời gian canh tác, chi phí, lao động... Nếu ngô lấy hạt mất gần 5 tháng mới cho thu hoạch, ngô sinh khối chỉ cần 3 tháng. Người dân có thể trồng được 2 vụ/năm. Ngoài ra, các chi phí về vật tư, lao động cũng giảm đáng kể. Do vậy, trồng ngô sinh khối có hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần so với trồng ngô lấy hạt. Anh Vì Văn Thức, cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Mộc Châu cho biết, kỹ thuật trồng và chế biến ngô sinh khối rất đơn giản, đó là người dân trồng cây ngô như bình thường, sau đó thu hoạch, cắt nhỏ và mang đi ủ ướp. Quá trình này không phải cho thêm bất kỳ chất phụ gia nào khác. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý chỉ tiến hành thu hoạch và ủ khi bắp ngô bắt đầu chín sáp, hạt ngô đã tích đủ hàm lượng protein. Đồng thời, trong quá trình ủ lưu phải lưu ý rải bạt kín để tránh không khí vào dẫn đến ngô bị hư hỏng.
Ngô sinh khối được thu hoạch và sơ chế ngay tại khu vực trồng. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN |
Không chỉ mang lại giá trị về dinh dưỡng và kinh tế, ngô sinh khối còn có điểm vượt trội so với trồng ngô lấy hạt khi không sử dụng thuốc diệt cỏ. Hiện nay, các công ty, cơ sở chăn nuôi đều kiểm tra chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm ngô sinh khối trước khi sử dụng. Nếu trong quá trình chăm sóc cây ngô sinh khối có sử dụng bất kỳ loại thuốc diệt cỏ nào sẽ không được sử dụng. Ông Trần Gia Việt, tiểu khu 67, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu cho biết, đối với với chăn nuôi bò sữa, theo quy định của công ty, cây ngô khi trồng được chăm bón nhưng không được dùng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt thuốc diệt cỏ bị cấm hoàn toàn, để tạo ra sản phẩm sữa sạch và an toàn, góp phần bảo vệ môi trường đất và nước. Với giá trị dinh dưỡng cao, những năm gần đây, tại huyện Mộc Châu, thức ăn ủ chua như ngô sinh khối được sử dụng quanh năm cho đàn bò sữa chứ không chỉ được sử dụng vào vụ Đông như trước. Hiện nay, diện tích trồng ngô sinh khối trên địa bàn huyện Mộc Châu khoảng 2.500 ha, cung cấp trên 80.000 tấn thức ăn cho đàn gia súc mỗi năm.
Ngô sinh khối được thu hoạch và sơ chế ngay tại cánh đồng. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN |
Trong khi đó, tổng đàn bò sữa là hơn 22.000 con, nhu cầu thức ăn thô xanh như ngô sinh khối là khoảng 150.000 tấn/năm, tốc độ mở rộng của đàn bò sữa tại huyện Mộc Châu bình quân là 15%/năm nên nhu cầu về thức ăn cho đàn bò trong thời gian tới là rất lớn. Nhưng trên thực tế, hiện nay diện tích đất dành cho chăn nuôi tại huyện Mộc Châu ngày càng thu hẹp, do xu hướng đô thị hóa. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu về thức ăn thô xanh cho đàn bò cần phải có những biện pháp giải quyết cụ thể, cơ cấu đồng cỏ và cây trồng làm thức ăn hợp lý. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu Trần Xuân Thành cho biết, hiện nay việc đảm bảo cho một vùng quy hoạch trồng ngô sinh khối là rất cần thiết. Huyện Mộc Châu đã tuyên truyền và liên kết với các công ty, chính quyền địa phương và hợp tác xã nhằm định hướng, xây dựng những vùng để chuyên trồng cây ngô sinh khối, phục vụ ổn định cho chăn nuôi. Huyện cũng có định hướng tập trung vào những vùng có diện tích đất rộng, tương đối bằng phẳng và điều kiện giao thông thuận lợi nhằm đảm bảo tính hiệu quả cho quá trình sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối.
Hữu Quyết – Nguyễn Chiến