Quỳ Châu là huyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An với 75% là đồng bào dân tộc Thái, đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, việc hỗ trợ sinh kế, triển khai các Chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương luôn được chính quyền địa phương các cấp của huyện Quỳ Châu đặc biệt quan tâm.
Gia đình anh Lữ Văn Minh, sinh năm 1968, là một trong nhiều hộ gia đình tại bản Đồng Minh, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu đã vươn lên thoát nghèo từ Chương trình hỗ trợ bò sinh sản. Trước đây, cuộc sống gia đình anh với 5 nhân khẩu, chủ yếu trông chờ vào việc làm nương rẫy, kinh tế gặp nhiều khó khăn, suốt nhiều năm từ 2010 gia đình anh Minh là hộ nghèo.
Năm 2017 từ nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ, sau khi được khảo sát điều kiện kinh tế, gia đình anh Lữ Văn Minh được hỗ trợ một con bò sinh sản. Cùng với ý chí thoát nghèo, gia đình anh dốc sức chăm sóc con bò này để sớm sinh sản ra những con bò khác. Nguồn thức ăn là cỏ, chuối, mía được trồng xung quanh nhà. Có bò cũng đồng nghĩa với việc gia đình ành có sức kéo phục vụ sản xuất và có nguồn phân bón hữu cơ để chăm sóc cây trồng, hoa màu.
Anh Lữ Văn Minh chia sẻ, nhờ chăm nuôi tốt, từ một con bò mẹ đến nay đã đẻ ra hai chú bò con, kinh tế gia đình ngày càng cải thiện. Đầu năm 2019, gia đình anh đã thoát nghèo. Hiện nay, cùng với làm nương rẫy, chăn nuôi bò, gia đình anh còn trồng các loại cây ăn quả, cây hoa màu khác để nâng cao đời sống kinh tế gia đình. Đầu năm 2020, gia đình anh đã sửa sang lại ngôi nhà lớn, xây thêm nhà bếp khang trang hơn.
Cách đó không xa, gia đình chị Lê Thị Trang, sinh năm 1988, bản Hủa Na, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu cũng thoát nghèo từ chương trình hỗ trợ bò sinh sản chia sẻ, cùng với việc được hỗ trợ một con bò sinh sản vào đầu năm 2017, gia đình còn thường xuyên được mời tham gia các lớp tập huấn về cách chăm sóc bò sinh sản do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳ Châu tổ chức.
Đồng thời, được hướng dẫn cách làm chuồng trại, trồng cỏ để làm thức ăn cho bò; cách bảo vệ và chăm sóc đàn bò trong điều kiện rét đậm, rét hại. Từ con bê đầu tiên được sinh ra, gia đình đã quyết định bán lấy nguồn vốn để phát triển kinh tế, mua thêm ngan, gà, vịt để chăn nuôi.
Hiện nay, đàn gia súc, gia cầm tại gia đình ngày càng đông, đời sống kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Từ năm 2019, gia đình chị Lê Thị Trang đã không còn là hộ nghèo và xây được ngôi nhà mới khang trang hơn.
Ông Vi Thế Long, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh phấn khởi chia sẻ, từ năm 2017 đến nay, tại địa phương, mỗi năm có trên 30 hộ gia đình được hưởng lợi từ Chương trình hỗ trợ bò sinh sản, từ đó, hàng trăm hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để đảm bảo cho công tác hỗ trợ bò sinh sản giúp người dân địa phương thoát nghèo phát huy hiệu quả cao, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng công tác khảo sát, lựa chọn đúng đối tượng để hỗ trợ; thường xuyên bám sát, tư vấn, hỗ trợ các gia đình trong quá trình chăn nuôi. Bên cạnh đó, các gia đình nhận hỗ trợ cũng cam kết lộ trình trong vòng 3 năm sẽ thoát nghèo.
Ông Lê Mỹ Trang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳ Châu cho biết, huyện Quỳ Châu với địa hình đồi núi, có nhiều thế mạnh về sản xuất chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm. Trong những năm qua, huyện Quỳ Châu đã tận dụng và phát huy hiệu quả các nguồn vốn Chương trình 30a, Chương trình 135 của Chính phủ để triển khai các chương trình như: hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản, mô hình hình chăn nuôi dê địa phương, phát triển mô hình chăn nuôi gà lai, mô hình trồng rễ hương, nuôi cá trắm giòn…
Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện Quỳ Châu đã có trên 1.200 hộ gia đình được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững, với nguồn vốn giải ngân là hơn 14,6 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Quỳ Châu từ 50,55% (năm 2016) xuống còn 20,17% (năm 2020).
Để các chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững phát huy tối đa hiệu quả, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳ Châu cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn người dân làm chuồng trại, bảo vệ đàn gia súc, gia cẩm.
Cùng với đó, hỗ trợ người dân trong việc lựa chọn mua giống, phân bón; thường xuyên tổ chức tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Từ đó, giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch bệnh cũng như những rủi ro trong quá trình chăn nuôi, phát triển sản xuất.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh giảm nghèo trên địa bàn huyện Quỳ Châu, trước hết phải nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và mỗi người dân về tầm quan trọng của công tác giảm nghèo; sớm xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại của một bộ phận bà con dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, huyện Quỳ Châu cũng chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá, rà soát, tăng cường hơn nữa quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo. Từ đó, xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn vốn, xác định đối tượng hỗ trợ giảm nghèo một cách phù hợp, đạt hiệu quả cao và bền vững, ông Lê Mỹ Trang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳ Châu cho biết.
Tá Chuyên