Là địa bàn vùng biên của tỉnh Gia Lai, huyện Đức Cơ hiện có trên 19.000 dân, trong đó hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 21% với 40/73 thôn, làng đặc biệt khó khăn. Những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn còn nhiều hạn chế, các giải pháp đề ra chưa đáp ứng được thực tiễn nên số hộ nghèo phát sinh và tái nghèo gia tăng, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để khắc phục thực trạng này, cùng với công tác tuyên truyền, huyện Đức Cơ đã lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu hỗ trợ bà con, dân làng từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo, xây dựng vùng biên giới vững mạnh.
Nhìn nhận từ thực tế, đầu năm 2018, Đảng bộ huyện Đức Cơ đã đề ra mục tiêu giảm 3% số hộ nghèo, tương đương 720 hộ. Theo đó, cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc và được phân công cụ thể từng thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo, các địa phương đảm trách theo dõi, đôn đốc từng khu dân cư, nắm rõ từng hộ nghèo; tranh thủ thêm nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh kịp thời hỗ trợ đến các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh, hỗ trợ hộ nghèo cách làm ăn, sinh hoạt, chi tiêu trong gia đình… Những nỗ lực và sự quyết tâm của huyện Đức Cơ đã được đền đáp, khi đến cuối năm 2018, toàn huyện đã có 762 hộ thoát nghèo, giảm 5,81%, vượt xa kế hoạch đề ra. Cùng với đó, huyện không còn hộ nghèo là gia đình chính sách, người có công.
Ia Krêl là một trong những địa phương có số hộ nghèo vẫn ở mức cao, cuối năm 2019, toàn xã vẫn còn 153 hộ nghèo và 126 hộ cận nghèo trong tổng số 2.139 hộ. Mục tiêu của xã đề ra trong năm 2020 sẽ giảm thêm 70 hộ nghèo, trong đó có 57 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể hóa kế hoạch đã đề ra, xã Ia Krêl đã tập trung các nhiệm vụ then chốt như: đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; mỗi cán bộ, đảng viên là một hạt nhân giúp đỡ, khích lệ tinh thần để bà con chung tay lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.
Đề cập về công tác giảm nghèo của địa phương, ông Siu Luynh - Chủ tịch xã Ia Krêl cho rằng, muốn làm giàu, cái khó nhất vẫn là cách làm và phải vượt qua tư tưởng ỷ lại, không chịu lao động. Do đó, ngoài việc động viên, khích lệ tinh thần, thì cách làm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng phải khác một chút. Ví như dùng những lời chê trách, nói xấu một trường hợp cụ thể, để họ động lòng trắc ẩn và hiểu rõ hơn thực tế bản thân, từ đó thấy cái sai để tự mình tích cực thay đổi cuộc sống.
Minh chứng cho lời nói trên, lãnh đạo xã Ia Krêl đã dẫn chúng tôi đến gia đình anh Rơ Lan Thi ở thôn Ngol-Rông để tận mắt chứng kiến cơ ngơi của một nông dân từng thích uống rượu hơn cần cù lao động, sản xuất. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 được xây dựng kiên cố, anh Rơ Lan Thi (nay là Trưởng thôn Ngol-Rông) chia sẻ: Ngày trước mình chỉ thích uống rượu thôi nên không biết làm việc gì. Nhờ có cán bộ Luynh, bà con dân làng nói xấu mình, chê trách mình nên mình cố gắng bỏ rượu để tập trung lao động, ổn định cuộc sống.
Nói về cơ ngơi hiện có của mình, anh Rơ Lan Thi cho biết: Ngoài căn nhà cấp 4 được xây dựng kiên cố, gia đình Thi còn sở hữu một đàn bò 8 con khỏe mạnh, 1 ha điều, hơn 1.000 cây cà phê đang cho thu hoạch. Sau khi trở thành nông dân lao động, sản xuất giỏi, Thi lại được dân làng bầu chọn làm thôn trưởng thôn Ngol-Rông từ năm 2018 đến nay.
Xác định và đưa ra các giải pháp lồng ghép hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các thôn, làng đặc biệt khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế gắn với thực tiễn, huyện biên giới Đức Cơ đạt mục tiêu đến cuối năm 2020 giảm 2,9% hộ nghèo, tương đương với gần 600 hộ thoát nghèo. Bên cạnh đó, tạo việc làm mới cho 600 lao động, trong đó 200 lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; không còn gia đình người có công tái nghèo, tái cận nghèo hoặc phát sinh mới.
Ông Trịnh Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ chia sẻ: Để thực hiện các chỉ tiêu đề ra, ngoài sự nỗ lực chung của toàn huyện thì việc lựa chọn, sử dụng các nguồn lực tài chính một cách hợp lý, thiết thực sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020 từ ngân sách Trung ương và một phần được cân đối từ ngân sách địa phương; huy động các nguồn hỗ trợ, giúp đỡ từ các cá nhân, tổ chức; các ban, ngành, đơn vị, các địa phương kết nghĩa và các nguồn lực huy động phù hợp khác..., góp phần xây dựng vùng biên Đức Cơ ngày một giàu đẹp, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Giai đoạn 2015-2020, công tác giảm nghèo của tỉnh Gia Lai đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 19,71% năm 2015 giảm còn 7,04% vào cuối năm 2019. Đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao, cùng với đó các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia trong xây dựng nông thôn mới, các nguồn lực xã hội được tập trung có hiệu quả góp phần giúp người nghèo, dân làng vùng dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa... nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nguyễn Hoài Nam – Nguyễn Giác