Hiệu quả từ chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình

Hòa Bình có 74% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, đời sống của bà con các dân tộc thiểu số ở tỉnh không ngừng được cải thiện, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định nhờ phát triển du lịch. Cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục được nâng cấp khang trang, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và khu vực.

Cải thiện cơ sở hạ tầng

Huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) có 91% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách về dân tộc luôn được huyện triển khai đồng bộ, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống.

vna_potal_hoa_binh_mua_lua_chin_tren_nhung_thua_ruong_bac_thang_mien_doi__7439449.jpg
Ruộng bậc thang xã Miền Đồi (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) vào mùa thu hoạch. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Khởi công từ đầu tháng 8/2024, nhà văn hóa xóm Dài, xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn là công trình được nhân dân trong xóm mong chờ để đưa vào sử dụng. Nhà văn hóa xóm Dài được xây dựng trên khuôn viên 4.000m2, dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp hơn 100 hộ dân có điểm sinh hoạt cộng đồng.

Chủ tịch UBND xã Vũ Bình Bùi Văn Đan cho biết, xã đã xây mới, nâng cấp nhà văn hóa của 8 xóm đặc biệt khó khăn, với nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Người dân phấn khởi, vui mừng, tin tưởng, hưởng ứng hoạt động này; ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã huy động các nguồn kinh phí để đầu tư nhiều hạng mục phụ trợ.

Đến nay, kinh tế - xã hội và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Lạc Sơn ngày càng được cải thiện. Các chính sách dân tộc tiếp tục được quan tâm thực hiện, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chương trình, dự án khác đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Bà Quách Thị Hòa, Giám đốc Hợp tác xã gà đồi Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn chia sẻ, bằng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp hợp tác xã được tham gia các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, áp dụng vào trong chăn nuôi, trồng trọt. Từ đó, các thành viên trong hợp tác xã nắm rõ được kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc kinh doanh của hợp tác xã phát triển, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Ông Quách Tuấn Phong, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Lạc Sơn cho biết, nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Lạc Sơn đã triển khai các dự án hỗ trợ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình được đầu tư trọng tâm, trọng điểm gồm các tuyến đường giao thông, kết nối thôn, xóm, đầu tư công trình nước sạch hợp vệ sinh, tổ chức lớp đào tạo nghề... mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào.

Những kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần từng bước giải quyết có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề tồn tại, khó khăn trong vùng. Trong đó có mục tiêu giảm hộ nghèo bình quân mỗi năm 2,5 - 3%; 50% số xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông; 90% thôn, xóm có đường giao thông từ xã đến được cứng hóa.

Phát triển toàn diện và bền vững

Tỉnh Hòa Bình hiện có 145 xã thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó có 74 xã khu vực I, 12 xã khu vực II, 59 xã khu vực III và 86 thôn, xóm, bản đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, tỉnh tập trung thực hiện các chính sách hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững hơn cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

Ông Hà Văn Di, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương chủ động triển khai các kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội. Từ đó khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng; khuyến khích người dân phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập với vùng thuận lợi.

vna_potal_hoa_binh_mua_lua_chin_tren_nhung_thua_ruong_bac_thang_mien_doi__7439443.jpg
Vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang Miền Đồi (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) không thua kém gì so với những vùng đất vốn đã rất nổi tiếng về ruộng bậc thang như Lào Cai, Yên Bái... Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Giai đoạn 2021 - 2024, nguồn vốn sự nghiệp đầu tư thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh đạt gần 1.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư đạt trên 1.500 tỷ đồng, ngoài ra huy động từ các nguồn hợp pháp khác (vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội trên 76 tỷ đồng, vốn huy động khác trên 3,6 tỷ đồng). Từ nguồn vốn trên, Hòa Bình đã phối hợp triển khai dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt với 696 hộ được hỗ trợ nhà ở; chuyển đổi nghề cho trên 2.600 người; cung cấp nước sinh hoạt cho gần 15.000 hộ. Tỉnh hỗ trợ đầu tư 5 dự án ổn định dân cư tập trung cho 168 hộ tại các huyện: Đà Bắc, Tân Lạc, Kim Bôi.

Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện có 664 công trình cơ sở hạ tầng được triển khai xây dựng gồm: 200 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 381 công trình giao thông; 16 công trình chợ; 29 công trình thủy lợi; 10 công trình y tế; 21 công trình trường học; 1 công trình điện nông thôn; 3 công trình nước sinh hoạt; 3 công trình phụ trợ khác.

Thanh Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm