Là địa phương có độ che phủ rừng lớn với hơn 60%, tỉnh Kon Tum xác định việc quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; trong đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum triển khai đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn “lá phổi xanh” tại địa phương; đồng thời, giúp người dân sinh sống gần rừng có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống.
Xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà là xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, với hơn 90% người dân tộc thiểu số đang sinh sống. Với thế mạnh là phát triển lâm nghiệp, xã Ngọk Réo thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng trên địa bàn. Ngoài ra, xã đã tiến hành giao khoán hơn 2.500 ha rừng sản xuất cho 7 cộng đồng khu dân cư tại các thôn, làng để chăm sóc, bảo vệ.
Anh U Nam Huế, trưởng thôn Kon Rôn, xã Ngọk Réo cho biết, cộng đồng khu dân cư thôn được xã giao khoán bảo vệ 480 ha rừng tại Tiểu khu 358 và 359. Hai lần mỗi tháng, thôn sẽ phân công 10 thành viên đi tuần tra, nắm bắt tình trạng rừng được giao khoán. Khi phát hiện những trường hợp phá rừng, cộng đồng sẽ lập tức báo cáo chính quyền địa phương và ngành chức năng để sớm có phương án xử lý. Đặc biệt, vào mùa khô, thôn sẽ tăng cường đi tuần tra bảo vệ rừng, kiên quyết không để xảy ra tình trạng cháy rừng.
Nhờ vào việc tham gia bảo vệ rừng, cộng đồng người dân tộc thiểu số tại xã Ngọk Réo đã được hưởng nhiều lợi ích từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trong 6 tháng đầu năm, riêng cộng đồng thôn Kon Rôn đã nhận được hơn 100 triệu đồng. Với số tiền này, người dân dùng để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình công cộng, chi cho hoạt động chung, phục vụ tuần tra rừng tại thôn.
Trong năm 2021, xã Ngọk Réo đã tiến hành chi trả gần 950 triệu đồng cho 7 cộng đồng dân cư thôn theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; 6 tháng đầu năm 2022, xã tiếp tục chi trả gần 450 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Ngọk Réo Nguyễn Đình Lĩnh cho biết, thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con ở các thôn ngày càng nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng. Số vụ vi phạm lâm luật cũng như tình trạng phá rừng làm nương, rẫy không còn xảy ra. Người dân sống gần rừng có thêm công việc, thu nhập ổn định. Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, số tiền thu về từ chi trả dịch vụ môi trường rừng là rất lớn nên nhiều người đã tích cực tham gia vào việc bảo vệ rừng tại địa phương.
Năm 2022, xã Ngọk Réo đã vận động người dân trồng mới 60 ha rừng trên địa bàn, đạt 100% kế hoạch đề ra. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh việc trồng rừng, phủ xanh toàn bộ đất trống, đồi trọc trên địa bàn; giúp người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng tiếp tục được hưởng nhiều lợi ích từ Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ đó, xã Ngọk Réo hướng đến mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2023.
Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, đơn vị đã tiến hành chi trả số tiền dịch vụ môi trường rừng trong năm 2021 cho các chủ rừng với tổng số tiền hơn 307 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2022, số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt gần 95 tỷ đồng.
Với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu nhập bình quân hằng năm của mỗi hộ gia đình đạt khoảng 9 triệu đồng/hộ/năm; mỗi cộng đồng dân cư thôn khoảng 115 triệu đồng/cộng đồng/năm. Đây là một nguồn thu tương đối lớn so với thu nhập của các hộ gia đình sống trong rừng và gần rừng, tăng giá trị hưởng lợi trực tiếp từ rừng, đảm bảo cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo tại tỉnh Kon Tum.
Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã từng bước cải thiện đời sống của người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng. Đồng thời, tạo được nguồn lực tài chính bền vững, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước; tạo thêm việc làm cho cộng đồng dân cư thôn và người dân, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư thôn và người dân tích cực tham gia nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự xã hội.
Khoa Chương