Nông dân huyện vùng sâu An Minh (Kiên Giang) xả nước, phơi đất chuẩn bị vụ tôm mới. Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Theo đó, huyện vùng sâu An Minh đã cơ cấu lại ngành nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Các công trình trọng điểm trên địa bàn như: Đường hành lang ven biển phía Nam, cầu Thứ Chín Rưỡi - Xẻo Nhàu, Tỉnh lộ 964 ven tuyến đê quốc phòng, nạo vét Cảng cá Xẻo Nhàu… đã hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn. Bí thư Huyện ủy An Minh Võ Minh Lễ cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện tốt đề án tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng nâng cao giá trị, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn đi đôi với xây dựng nông thôn mới, nhất là đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các cống ngăn mặn tuyến đê biển để kiểm soát, điều tiết mặn, ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Huyện tập trung phát triển các ngành Công nghiệp có lợi thế; khai thác hiệu quả lợi thế tuyến đường hành lang ven biển phía Nam đi qua địa bàn, Tỉnh lộ 964, Cảng cá Xẻo Nhàu… để kêu gọi đầu tư phát triển các ngành nghề thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Qua đó, từng bước đưa khu vực thương mại dịch vụ và công nghiệp xây dựng tăng trưởng nhanh hơn, chiếm tỷ trọng lớn hơn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Năm 2019, An Minh tập trung thực hiện hiệu quả mô hình xen canh tôm - cua - lúa với diện tích trên 107.000 ha; nuôi sò huyết bãi bồi ven biển với 2.000 ha, nuôi hến 2.500 ha, nuôi nghêu lụa, vẹm xanh 2.400 ha, cá 1.920 ha… Vùng bờ Đông sẽ thực hiện mô hình tôm - lúa với diện tích gần 27.000 ha… Năm 2018, nhờ tập trung chỉ đạo sản xuất theo quy hoạch, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa nhiều loại hình thâm canh, đa canh, tăng năng suất gắn với bảo vệ môi trường sinh thái nên tổng diện tích nuôi luân canh, xen canh các loài thủy sản trên địa bàn huyện được trên 108.000 ha, vượt 3,32% kế hoạch. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch được gần 56.000 tấn. Các phương tiện tàu cá trên địa bàn huyện hoạt động ổn định. Toàn huyện An Minh có 393 phương tiện, với công suất 54.445CV, bình quân 139CV/phương tiện; tổng sản lượng khai thác đánh bắt thủy sản được trên 13.500 tấn. Huyện An Minh tập trung chỉ đạo tốt công tác sản xuất nông nghiệp theo đề án tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Năm 2018, tổng diện tích lúa thu hoạch được gần 23.000 ha, năng suất 4,08 tấn/ha, tổng sản lượng lương thực trên 93.000 tấn, tăng 330% so với cùng kỳ năm 2017. Huyện rà soát quy hoạch, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới năm 2018, chỉ đạo giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt được. Đồng thời, huyện tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng các tiêu chí cho xã Đông Thạnh vừa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, An Minh có 2 xã đạt 19 tiêu chí xã nông thôn mới, 4 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí và 4 xã đạt 10 - 14 tiêu chí...
Lê Sen