Hiệu quả mô hình vườn rau sạch cho trẻ mầm non ở Ninh Bình

Hiệu quả mô hình vườn rau sạch cho trẻ mầm non ở Ninh Bình
Nhằm đưa nguồn rau sạch đến với trẻ mầm non, Hội Phụ nữ thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng mô hình “Vườn rau sạch cho con”.
 
Học sinh trường mầm non Đông Sơn, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp thu hoạch rau tại "Vườn rau sạch cho con". Ảnh: Hải Yến - TTXVN
Học sinh trường mầm non Đông Sơn, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp thu hoạch rau tại "Vườn rau sạch cho con". Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Không chỉ góp phần tạo cảnh quan môi trường “xanh - sạch - đẹp”, mô hình còn giúp cải thiện và nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày của các bé từ nguồn rau sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, đây cũng trở thành giáo cụ trực quan sinh động giúp trẻ có những trải nghiệm thực tế trong quá trình học tập, vui chơi.

Thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và từ yêu cầu thực tế về chất lượng bữa ăn hàng ngày của trẻ mầm non, năm 2015 Hội Phụ nữ Thành phố Tam Điệp đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình “Vườn rau sạch cho con” tại các trường mầm non trên địa bàn thành phố. Sau khi tiến hành khảo sát nguồn đất ở một số trường mầm non, Hội Phụ nữ thành phố Tam Điệp đã chọn trường mầm non Bắc Sơn làm thí điểm. Trên diện tích 300m2, Hội cùng với nhà trường đầu tư cây giống, phân bón, hệ thống nước tưới, huy động hội viên phụ nữ lao động, cải tạo đất và trồng các loại rau. Sau 3 tháng triển khai, đến nay mô hình được nhân rộng ở 6 trường mầm non trên địa bàn thành phố.

Học sinh trường mầm non Đông Sơn, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp tưới cây tại "Vườn rau sạch cho con". Ảnh: Hải Yến - TTXVN
Học sinh trường mầm non Đông Sơn, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp tưới cây tại "Vườn rau sạch cho con". Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Khi được triển khai tại các trường mầm non, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường và nhiều phụ huynh đã không ngại khó khăn dọn đất, cải tạo đất và gieo, trồng các loại rau theo mùa vụ như rau muống, mồng tơi, su su, dưa leo, mướp đắng, cà chua, khoai lang… Nhiều diện tích trong trường trước đây bỏ hoang, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường nay đã được cải tạo trở thành vườn rau sạch khiến cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, ý nghĩa. Sau khi đã gieo trồng, các giáo viên, nhân viên nhà trường lại tiếp tục phân công nhau chăm sóc. Khi vườn rau phát triển, trẻ mầm non trong các nhà trường được cung cấp thêm thực phẩm sạch, an toàn. Hiện nay, mô hình được triển khai ở các trường có diện tích từ 300 – 700m2, vườn rau được trang bị hệ thống vòi phun để tưới rất thuận tiện, đảm bảo theo đúng quy trình canh tác rau sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Học sinh trường mầm non Đông Sơn, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp tìm hiểu về các loại rau tại "Vườn rau sạch cho con". Ảnh: Hải Yến - TTXVN
Học sinh trường mầm non Đông Sơn, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp tìm hiểu về các loại rau tại "Vườn rau sạch cho con". Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Cô Dương Thị Thủy, Hiệu trưởng trường mầm non Đông Sơn, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp cho biết: “Sau khi mô hình được triển khai tại trường, nhìn vườn rau xanh tốt, trẻ không chỉ được ăn rau sạch, an toàn để bảo vệ sức khỏe mà còn được học tập, vui chơi bên những luống rau tươi tốt, an toàn, phụ huynh nào cũng phấn khởi và nhiệt tình ủng hộ phong trào trồng rau sạch tại vườn trường. Vườn rau của trường có diện tích gieo trồng hiện tại trên 700m2 và thời gian tới là hơn 1000m2. Tận dụng những giờ rảnh rỗi của giáo viên, đặc biệt là huy động sự tham gia ngày công của phụ huynh, vườn rau sạch của nhà trường đã đáp ứng được yêu cầu về rau sạch trong bữa ăn cho trẻ”.

Bên cạnh việc cung cấp nguồn rau sạch an toàn cho trẻ, nhiều trường đã phát huy được hiệu quả của mô hình, giúp trẻ có không gian vui chơi, hoạt động ngoài trời, làm giáo cụ trực quan cho trẻ được trải nghiệm trong môi trường lành mạnh để trẻ làm quen với thế giới thực vật sinh động. Các giờ học ngoại khóa tại vườn, các bé được tiếp xúc với hoạt động trồng trọt, qua đó phân biệt được các loại rau, củ quả, biết chăm sóc và thu hoạch cây trồng, đồng thời nhận thức được lợi ích của việc trồng rau sạch đối với môi trường sống xung quanh.

Cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên trường mầm non Đông Sơn, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp chia sẻ: “Vườn rau sạch giúp trẻ mầm non làm quen với thế giới thực vật sinh động qua các giờ học ngoài trời trực tiếp tham gia trồng, chăm sóc rau, chứng kiến quá trình sinh trưởng phát triển của cây, thu hoạch các sản phẩm từ vườn rau và hưởng thụ thành quả lao động của mình khiến vườn rau càng thêm ý nghĩa. Thông qua hoạt động này, các bé từ 3 - 5 tuổi được rèn kỹ năng lao động khi tham gia tưới cây, nhổ cỏ cho rau. Các em được trải nghiệm từ hoạt động ngoại khóa thực tế và rèn luyện một số kỹ năng cơ bản tại vườn rau nên đã học được nhiều điều bổ ích. Chính vì vậy, mô hình này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh và sự hứng thú của học sinh”.

Bà Tạ Thị Pha, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Tam Điệp nhấn mạnh, mô hình “Vườn rau sạch cho con” do Hội Phụ nữ phát động và triển khai đã giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống, biết trân trọng những thành quả lao động. Đồng thời, nguồn rau sạch từ công sức của thầy cô giáo và học sinh được đưa vào sử dụng trong các bữa ăn bán trú nhằm giải quyết vấn đề lo ngại về an toàn thực phẩm trong trường học. Nhiều trường có cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả cao. Hiện nay, một số trường đã có thể tự chủ động được nhu cầu rau sạch, tươi cho trẻ. Trong thời gian tới, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Tam Điệp sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình vườn rau sạch ra các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố.

Vườn rau sạch không những đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn giúp các bé có không gian vui chơi, hoạt động ngoài trời, trải nghiệm, tạo môi trường lành mạnh; đồng thời nâng cao nhận thức trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường “xanh - sạch - đẹp” trong trường.
Thùy Dung
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm