Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được tỉnh Ninh Thuận đặc biệt quan tâm, chú trọng và thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu về sức khỏe, giáo dục, đời sống tinh thần; đảm bảo điều kiện thuận lợi để tất cả trẻ em được thực hiện quyền, bổn phận và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức…
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, thực hiện Quyết định 535/QĐ-TTg- ngày 14/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc, UBND tỉnh đã triển khai và giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành có liên quan, chính quyền các địa phương xây dựng có hiệu quả cơ chế phối hợp, tạo nguồn nhân lực để thực hiện các vấn đề về trẻ em ở địa phương.
Trên cơ sở đó, hoạt động truyền thông giáo dục về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được các cấp, ngành của tỉnh Ninh Thuận tăng cường, góp phần làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của gia đình và xã hội, giúp trẻ phát triển bình đẳng và toàn diện. Nguồn nhân lực làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cấp huyện, xã luôn được đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Tỉnh cũng dành nhiều nguồn lực đầu tư, nâng cấp các công trình phúc lợi phục vụ, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh cho trẻ em.
Ninh Thuận cũng chú trọng xây dựng, thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ như: “Diễn đàn trẻ em” để trẻ em bày tỏ kiến nghị, nguyện vọng, thông điệp đến cấp ủy, chính quyền các cấp; mô hình “Thăm dò ý kiến của trẻ em”; mô hình “Chương trình hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện”… thu hút gần 90.000 lượt trẻ em tham gia. Hàng năm, tỉnh Ninh Thuận đều phát động Tháng hành động vì trẻ em với nhiều chủ đề thiết thực, bổ ích giúp trẻ được bảo vệ an toàn, đặc biệt đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tại các địa phương vùng sâu, vùng xa.
Thời gian qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thiết lập một bộ máy giám sát độc lập từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn để nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh tăng cường phổ biến đến các tổ chức phúc lợi xã hội, cá nhân, cộng đồng, cơ quan pháp luật… về thủ tục, tiêu chuẩn xác định lợi ích tốt nhất của trẻ em trong mỗi lĩnh vực. Ngoài ra, tỉnh cũng nghiên cứu, xây dựng và thực hiện kế hoạch điều tra toàn diện về trẻ em không sống trong môi trường gia đình để lập danh sách theo dõi; đồng thời nghiên cứu, xây dựng và thực hiện hiệu quả chính sách toàn diện nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trên.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, đến tháng 8/2020, số liệu trẻ em cần được bảo vệ trên địa bàn đã được cập nhật dữ liệu vào phần mềm hệ thống của tỉnh là 133.855/164.574 trẻ, đạt 79,9%. Để hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc thay thế dựa vào cộng đồng, UBND tỉnh Ninh Thuận đã nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cho trẻ. Theo đó, 5 năm qua, tỉnh đã vận động, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ nguồn lực cho Quỹ bảo trợ trẻ em với kinh phí gần 850 triệu đồng. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện hiệu quả biện pháp giảm tỷ lệ trẻ em khuyết tật, mồ côi tại các cơ sở chăm sóc tập trung và tăng cường chăm sóc trẻ dựa vào cộng đồng.
Nhờ đó, số trẻ em khuyết tật, mồ côi được chăm sóc tại các cơ sở tập trung trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 191 trẻ (năm 2014) xuống còn 58 trẻ (tháng 8/2020). Việc chăm sóc trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng đã được tăng cường; vai trò của cha mẹ, người thân, xã hội trong việc chăm sóc trẻ được nâng cao hơn so với trước đây. Song song đó, công tác quản lý nhà nước về hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ, giáo dục tại cộng đồng cũng đa dạng và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Nguyên nhân một phần là do nhân lực làm công tác về trẻ em ở các cấp còn thiếu và yếu; việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách liên quan đến quyền lợi của trẻ em chưa đi vào chiều sâu, chưa thể hiện và làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành…, từ đó chưa tác động sâu rộng, chưa làm thay đổi nhiều về nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với trẻ em. Ngoài ra, công tác nắm bắt, theo dõi, quản lý thông tin về trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em không sống trong môi trường gia đình, chưa thường xuyên, kịp thời. Tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị tai nạn thương tích, đuối nước, bỏ học giữa chừng, trẻ em lao động sớm, vi phạm pháp luật… vẫn còn xảy ra.
Hiện nay, tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, một số trẻ mồ côi cha hoặc mẹ chưa được tiếp cận dịch vụ trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, một phần nguyên nhân là do tập tục, quan điểm đặc thù của người dân. Ngoài ra, tình trạng tảo hôn của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh vẫn còn xảy ra, nên việc tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình, về bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em còn gặp khó khăn.
Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm, trình Chính phủ sớm có cơ chế để bố trí nhân lực, cán bộ chuyên trách từ cấp thôn, bản đến cấp xã làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Ở cấp độ địa phương, UBND tỉnh sẽ kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác trẻ em; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, tư vấn… để nâng cao hơn nữa nhận thức của gia đình, xã hội về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với trẻ em, góp phần ngăn ngừa kịp thời các nguy cơ tác hại đến trẻ em; đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất để nâng cao năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
Các cơ quan đoàn thể, mặt trận của tỉnh cũng sẽ có giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các mô hình, chương trình như: “Đom đóm thắp sáng tương lai”, “Điều ước cho em”, “Hè yêu thương”, “Diễn đàn trẻ em”, “Câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em”… qua đó tạo sức lan tỏa, mở hướng nhân rộng ở khắp địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.
UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngay tại địa bàn, cơ sở để ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật về hành vi xâm hại đến trẻ em.
Công Thử