Cuộc hội thảo diễn ra trong bối cảnh giới chuyên gia đang có nhiều lo ngại về những biến đổi bất thường của nguồn nước sông Mê Công, gây ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực nông nghiệp, môi trường và kế sinh nhai của hàng triệu người dân hạ nguồn sông Mê Công, đặc biệt là Campuchia và Việt Nam.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Phan Minh Hưng, Danh Chanh Đa - TTXVN |
Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học đến từ trường Đại học Cần Thơ (Việt Nam), Học viện Hoàng gia Campuchia, Đại học Nông nghiệp Hoàng gia (Campuchia), Viện Công nghệ châu Á (AIT, Thái Lan), Đại học Hironori Arai – Chiba (Nhật Bản), Trung tâm Nông nghiệp của trường Đại học bang Louisiana (Mỹ) và một số nhà khoa học khác đến từ Đức và Đan Mạch.
Tại hội thảo, các nhà khoa học khẳng định, khu vực châu thổ sông Mê Công là khu vực đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho các quốc gia tiểu vùng sông Mê Công và thế giới. Trong đó, nguồn nước sông Mê Công đóng vai trò đặc biệt quan trọng và quyết định đối với nền nông nghiệp của khu vực này.
Tại Việt Nam, vùng châu thổ sông Mê Công cung cấp hơn 50% lượng gạo và các loại lương thực khác, 65% tổng sản phẩm thủy sản và hơn 70% sản lượng hoa quả phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhiều năm nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đặc biệt là tác động của các quốc gia phía thượng nguồn như việc xây dựng các đập thủy điện, đã khiến hạ nguồn sông Mê Công cạn kiệt, ô nhiễm, và nguồn thủy sản cũng bị suy giảm, đã và đang đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu người dân. Vùng châu thổ sông Mê Công ở Việt Nam là một trong ba vùng châu thổ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu trên thế giới.
Việc thiếu nước ngọt đã gây xâm nhập mặn ở các vùng ven biển Thái Lan, Việt Nam và Campuchia, làm giảm nước hồ Tonle Sap ở Campuchia, gây ra sự xáo trộn lớn trong môi trường sinh thái của thủy sản và ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của cả Campuchia và Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Phan Minh Hưng, Danh Chanh Đa – TTXVN |
Tiến sĩ Nouth Sambath của Học viện Hoàng gia Campuchia nhấn mạnh, trong bối cảnh nguồn nước ngày càng trở nên quan trọng, cần có giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước trong nông nghiệp, cũng như duy trì sự phát triển bền vững.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, cũng cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng về sử dụng nguồn nước sông Mê Công, cùng với sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế, cần có tiếng nói kêu gọi tiết kiệm nước cho nông nghiệp, phục vụ nhu cầu gia tăng từ công nghiệp và đô thị, cũng như bảo đảm tính bền vững của môi trường.
Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phan Minh Hưng, Danh Chanh Đa – TTXVN |
Để đối phó với các thách thức nêu trên, các nhà khoa học kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực cần thực hiện một số giải pháp như: Hoạch định các chính sách về bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước, đặc biệt là duy trì mực nước và dòng chảy của sông Mê Công; Nâng cao nhận thức về tiết kiệm nước của các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà khoa học và cộng đồng người dân địa phương các nước tiểu vùng sông Mê Công; Kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ việc nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ nông nghiệp hiện đại giảm thiểu việc sử dụng nước; Mở rộng không gian xanh ở các thành phố; Phát triển hệ thống kênh, mương, hồ chứa nước ngọt, bảo vệ dòng nước và khôi phục các bờ sông; Có chính sách thu hút đầu tư rõ ràng trong việc phát triển hệ thống thủy lợi ở nông thôn với sự tham gia của lĩnh vực tư nhân…
Thông qua hội thảo, trường Đại học Cần Thơ và Học viện Hoàng gia Campuchia thống nhất, thời gian tới sẽ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các cuộc nghiên cứu, hội thảo, chia sẻ thông tin, hỗ trợ đào tạo nhân lực… nhằm chủ động đối phó với các thách thức trên.