Hậu Giang: Tiếp sức cùng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Hậu Giang: Tiếp sức cùng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Nhờ được hỗ trợ học nghề, Mận đã tự mình kiếm tiền để phụ giúp gia đình.
Nhờ được hỗ trợ học nghề, Mận đã tự mình kiếm tiền để phụ giúp gia đình.

Đến tiệm sửa xe Thanh Phong, ở ấp Hòa Đức, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, gặp em Phạm Văn Mận, là một trong những thanh, thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ học nghề trong năm 2014, đúng lúc em đang sửa xe cho khách hàng. Tiếp chuyện với Mận, chúng tôi biết được hoàn cảnh của Mận rất khó khăn, gia đình chỉ có 500m2 đất ruộng, cho nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Ngoài ra, em còn bị nổi bướu mỡ ở lưng và đầu. Do bướu lớn dần, gia đình đã đưa em đi phẫu thuật ở thành phố Cần Thơ. Chính vì vậy, chi phí để em điều trị bệnh và đi học khiến kinh tế gia đình càng khó khăn hơn. Thấy cha mẹ cực khổ, cộng thêm chuyện học hành có phần chểnh mảng hơn các bạn, do đó, Mận đã quyết định nghỉ học khi mới vào học lớp 7 được vài tuần.

Xét thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ 5 triệu đồng để Mận học nghề từ dự án xây dựng và nhân rộng mô hình hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng. Mận chia sẻ: “Em rất thích học nghề sửa xe, nhưng gia đình không thể lo nổi. Do đó, khi được hỗ trợ học nghề, em rất mừng đã đi học ngay mà không cần đắn đo, suy nghĩ. Hiện nay, em đang làm gia công cho tiệm sửa xe Thanh Phong. Tuy em chưa thuần thục lắm, nhưng cũng có thể sửa vài thứ lặt vặt, mỗi ngày cũng kiếm được 20.000-30.000 đồng. Tự mình kiếm được tiền, em thấy mừng lắm”. Mận dự định, nếu điều kiện kinh tế sau này khá hơn, em sẽ mở tiệm sửa xe để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Bà Võ Thị Nga (mẹ Mận) cho biết: “Do khoảng cách từ nhà đến chỗ học nghề khá xa và không có phương tiện đi lại, nên Mận đã ăn ở tại chỗ học nghề, mỗi tháng gia đình tôi gởi 150.000 đồng để lo tiền gạo cho Mận, còn đồ ăn do chủ tiệm hỗ trợ. Mấy tháng gần đây, Mận đã làm có tiền, cháu tự đóng tiền luôn. Do đó, gia đình tôi cũng nhẹ phần nào chi phí”.

Còn em Nguyễn Hoài Phong, ở ấp Thạnh Lợi B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, cũng hết sức phấn khởi khi bản thân mình có thể kiếm tiền, chia sẻ phần nào gánh nặng với gia đình. Được biết, do hoàn cảnh khó khăn, nên năm học lớp 8 em đã nghỉ học. Năm 2014, em được hỗ trợ 5 triệu đồng để học nghề hớt tóc. Sau 2 tháng chuyên tâm học nghề, Phong đã thành thạo tay nghề. Tuy nhiên, do điều kiện còn khó khăn, chưa thể mở tiệm, do đó Phong chỉ cắt tóc tại nhà. Ban đầu, chỉ có một vài người đến cắt tóc, dần dà, thấy Phong khéo tay, nhiều người trong khu vực cũng tìm đến cắt tóc. Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (mẹ Phong) bộc bạch: “Dù không có điều kiện để lo cho con học hành đến nơi đến chốn, nhưng thấy con có việc làm ổn định, người làm cha làm mẹ chúng tôi thấy vui lòng. Chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm chăm lo của các ngành, các cấp đã tạo điều kiện để con tôi được học nghề, góp phần ổn định cuộc sống”.

Từ năm 2013 đến nay, có 10 thanh, thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng được hỗ trợ học nghề, với tổng kinh phí gần 65 triệu đồng. Ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết: “Hoạt động hỗ trợ dạy nghề cho thanh, thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả tích cực, nhiều em đã tự mình kiếm thêm thu nhập với nghề được trang bị. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu học nghề, để hỗ trợ cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, nhằm giúp các em có điều kiện vươn lên, góp phần ổn định cuộc sống…”.

Dự án xây dựng và nhân rộng mô hình hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng là 1 trong 4 dự án thuộc Chương trình quốc gia bảo vệ chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh. Dự án được thực hiện từ năm 2013 tại 8 xã thuộc 3 huyện, thành phố: xã Vị Tân, xã Tân Tiến (thành phố Vị Thanh); xã Vị Đông, xã Vĩnh Trung, (huyện Vị Thủy) và xã Hòa An, xã Tân Bình, xã Tân Long, xã Phụng Hiệp (huyện Phụng Hiệp).
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm