Hậu Giang: Phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số

Hậu Giang: Phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số

Nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn, phát huy các tác phẩm văn học dân gian, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm này trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tỉnh Hậu Giang triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030” trên địa bàn.

Đề án được thực hiện từ năm 2023 đến năm 2030. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sưu tầm, số hóa 80% tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số, xây dựng cơ sở dữ liệu số về văn học dân gian các dân tộc thiểu số để lưu trữ, nghiên cứu, phát huy và phục vụ bạn đọc; 80% tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một được áp dụng các biện pháp bảo tồn, tư liệu hóa và 80% trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số đưa thể loại văn học dân gian vào hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu cho học sinh. Địa phương đặt mục tiêu có 80% công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, tác giả dân gian, người có uy tín... được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian các dân tộc thiểu số; xây dựng 5 câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian ở mỗi huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh sẽ tăng cường, nâng cao hiệu quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các sở, ban, ngành, địa phương, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân đối với công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; xây dựng, phát triển văn hóa kết hợp chặt chẽ với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương. Tỉnh nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách, chế độ đặc thù đối với những nghệ nhân lớn tuổi, người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa truyền thống ở cơ sở; đặc biệt là chính sách đặc thù cho các nghệ nhân trao truyền các tác phẩm văn học dân gian trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; tạo điều kiện, môi trường văn hóa, không gian văn hóa phù hợp để đồng bào các dân tộc thường xuyên được giao lưu, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Hậu Giang: Phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số ảnh 1Câu lạc bộ hát Aday ấp 4, xã Xà Phiên sinh hoạt định kỳ tại chùa Pô Thi Vong Sa. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và của nhân dân về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác văn hóa; đặc biệt là cán bộ ở cơ sở phục vụ công tác quản lý, phát huy di sản tại cộng đồng, địa phương. Tỉnh củng cố và phát triển các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian ở địa phương; hỗ trợ các nghệ nhân người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nguồn lực để bảo tồn và quảng bá, giới thiệu các giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số.

Toàn tỉnh hiện có 8.187 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với trên 30.300 người, chiếm 4,16% dân số toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer có trên 24.100 người; dân tộc Hoa 6.015 người; dân tộc Chăm và các dân tộc khác 215 người. Các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được địa phương tạo điều kiện để giữ gìn và phát huy. Các cấp, ngành của tỉnh luôn quan tâm, tổ chức thực hiện các chính sách bảo tồn về ngôn ngữ, chữ viết và phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số...

Hồng Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm