Thực hiện Chương trình sữa học đường, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ uống sữa hàng ngày, từ đó giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực cho trẻ em trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Theo đó, tất cả trẻ em tại các trường mầm non và tiểu học được khảo sát thể lực thông qua đo chiều cao và cân nặng. Kết quả được lưu và đối chiếu, so sánh nhằm đánh giá hiệu quả của sữa học đường cho từng độ tuổi. Cơ sở y tế đảm nhận nhiệm vụ y tế ở trường học phối hợp với các giáo viên để thực hiện đo thể lực học sinh một cách nghiêm túc và đảm bảo tính chính xác.
Tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu đến hết năm 2020 có 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình sữa học đường. Riêng học sinh mẫu giáo và tiểu học của các xã nghèo đặc biệt khó khăn có tỷ lệ được uống sữa theo chương trình sữa học đường là 100%.
Tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện như: ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình để đảm bảo nguồn lực, sự bền vững của Chương trình sữa học đường; đặc biệt là tại các huyện nghèo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh. Tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực, các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện Chương trình sữa học đường.
Hậu Giang tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của các cấp chính quyền về nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của Chương trình sữa học đường nhằm tăng cường nguồn lực thực hiện chương trình; tăng cường công tác thông tin giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em; đặc biệt là bữa ăn học đường và sử dụng các sản phẩm sữa phù hợp theo nhóm tuổi.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình sữa học đường tỉnh Hậu Giang, đối với các học sinh thuộc diện nghèo, cận nghèo, trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi được ngân sách tỉnh hỗ trợ miễn phí chi phí uống sữa thuộc Chương trình trong năm học. Các học sinh còn lại sẽ vận động xã hội hóa kinh phí hỗ trợ từ phụ huynh, các nhà hảo tâm, ban, ngành, đoàn thể. Qua đó, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cũng như nâng cao tầm vóc, thể lực của học sinh thông qua hoạt động tuyên truyền, vận động, cung cấp sữa tươi cho học sinh uống hàng ngày.
Tỉnh Hậu Giang có gần 1.400 học sinh thuộc đối tượng thực hiện Chương trình sữa học đường, trong đó có gần 500 em thuộc diện nghèo, cận nghèo. Các em học sinh thuộc đối tượng của Chương trình sẽ được cấp 1 hộp sữa/ngày/học sinh, loại sữa tươi theo tiêu chuẩn sữa học đường của Bộ Y tế.
Hồng Dân